Pages

Thứ Năm, 10 tháng 9, 2009

Simon Cowell cho Tinh Hoa


Lời người viết: Sau những ngây ngất và choáng ngợp bởi giọng ca tuyệt vời của Susan Boyle, tôi để ý ngay đến Simon Cowell, con cáo già của làng nhạc thế giới. Cũng vì thế, mà cái nhìn của tôi dành cho Susan tỉnh táo hơn (ít ra vào thời điểm mọi người đang phát sốt lên vì Susan và đều tin rằng bà sẽ giành quán quân cuộc thi Britain's Got Talent). Thật đáng tiếc vì Tinh Hoa luôn ra báo không đúng hẹn, khiến bài này mất đi tính thời sự. Nhưng những giải mã về Simon (theo chủ quan của tôi), vẫn khiến tôi thích thú và hài lòng.


Simon Cowell – “Bố già” của những thần tượng


Người phụ nữ đứng tuổi người Scotland bước lên sân khấu. Bà ta quê mùa, dáng thô kệch, điệu bộ vẻ ngớ ngẩn . Dưới bục, ban giám khảo và khán giả cười mỉa, chờ đợi một trò hề sắp diễn ra như bao trò hề khác đã từng xảy ra ở cuộc thi “Britain’s Got Talent”. Nhưng, ở đâu đó trong những giờ nghỉ giải lao của đế chế Simon Cowell, máy đếm tiền đã bắt đầu hoạt động…
Xuân Anh

Kẻ phản bội của Idol


Simon là linh hồn của American Idol, nhưng lại có những biểu hiện “kỳ quặc”. Simon làm việc cho Fox, nhưng lại thu hút khán giả của Fox bằng những chương trình hấp dẫn hơn ở Anh. Cùng một lúc, Simon đi qua đi lại giữa Britain’s Got Talent và American Idol, nhưng cư xử với các thí sinh ở Idol như con ghẻ, thi thoảng lắm mới ban cho một lời khen. Simon chỉ trích không khoan nhượng, thậm chí hạ nhục tài năng, bề ngoài và cả tính cách người dự thi. Trọng lượng lời nhận xét của Simon nặng hơn tất cả các giám khảo khác cộng lại.


Ở cuộc thi của “quê nhà” - Britain’s Got Talent, Simon vẫn “đanh nọc” như vậy, nhưng có phần “nhẹ nhàng” hơn. Mục đích của American Idol là đem đến một sản phẩm bóng bẩy sau nhiều lần gọt dũa. Bản chất của Britain’s Got Talent là đem đến giấc mơ từ những người bình thường nhất. American Idol nhào nặn một công thức chung cho thần tượng. Nhưng Britain’s Got Talent thì chẳng có công thức nào, ngoài tài năng thật sự.


American Idol đích thực là món ăn của người Mỹ. Nó mang đặc thù tính Mỹ về sự ồn ào, tiện dụng, dễ ăn, phù hợp với mọi đối tượng như chiếc bánh Hamburger. Thêm vào đó, cỗ máy công nghệ lăng xê khổng lồ sẽ biến người chiến thắng sau một đêm trở thành thần tượng. Thần tượng mới và những đám đông ùa theo họ chỉ là sản phẩm của rất ít người quyền lực đứng phía sau cánh gà. Số ít người này đã điều khiển, đánh lừa cả triệu triệu người nghe – đám đông bằng những giá trị ảo, trong khi tự bản thân khoan khoái thưởng thức những giá trị tinh túy đích thực của âm nhạc. Một cách phũ phàng, thần tượng chỉ là những công cụ in tiền khổng lồ. Họ sẽ nhanh chóng bị đào thải bởi những người chiến thắng của năm sau.


Warren Littlefield, giám đốc chương trình NBC, người hiểu rõ về các ngôi sao nổi lên từ các chương trình của Simon, như chính Simon nói: “Tôi không có cuộc sống. Cuộc đời tôi chính là chương trình này”, nói: Tôi không rõ mọi điều về đời tư của Simon nhưng kế hoạch làm việc của ông ấy thật điên rồ. Fox trả cho Cowell khoảng 36 triệu USD một năm, chưa kể những khoản lợi nhuận kếch xù khác từ Syco – công ty của Simon Cowell.


Thế nhưng có vẻ Simon đang chán ngấy American Idol, bằng việc nói bóng gió sẽ rời bỏ vị trí giám khảo chương trình quan trọng nhất của Fox. Ông trùm âm nhạc đầy quyền lực này có nổi tiếng hơn American Idol không? Michael Davies người nổi tiếng là nhà sản xuất chương trình Who Wants to Be a Millionaire, cũng là người Anh, trả lời: Khán giả trông đợi Simon nói với họ nên nghĩ thế nào về các thí sinh. Brad Adgate, phó giám đốc nghiên cứu công ty truyền thông Horizon Media lo lắng về sự ra đi của Simon dẫn đến thảm họa của chương trình, nhất là khi lượng khán giả ở Idol đã giảm khoảng 15% trong mùa này.


Tất nhiên thông tin rời bỏ American Idol có thể là mánh khóe kinh doanh tài tình nhằm cố gắng kiếm thêm thật nhiều tiền. Nhưng cũng có thể chính Simon đánh hơi được sớm xu hướng quay trở về những giá trị đích thực và nhân bản của Âm nhạc. Hơn nữa, ông không còn muốn kiệt sức bởi người Mỹ, hay đúng hơn là những giá trị Mỹ. Simon kiêu hãnh mang trong mình sự bảo thủ, cũng như sự ích kỷ và thực dụng. Tất cả các tính cách thuần Anh đó phần nào lý giải cách xử sự của Simon với những gì ông ta có quyền lực tuyệt đối.


Và người tạo ra những điều kỳ diệu “đóng hộp”…


Câu chuyện về Susan Boyle có vẻ như một phát hiện bất ngờ của Britan’s Got Talent trong ngày buồn ảm đạm. Một người phụ nữ 47 tuổi lật đật bước vào phông nền mang mầu lá cờ nước Anh sặc sỡ như phông nền của một cuộc thi ca nhạc tỉnh. Người quay phim đã nhanh chóng bấm máy từ khi bà ta tranh thủ ăn bữa sáng. Góc quay ngay lập tức lia tới những cái bĩu môi đầy mỉa mai của khán giả trẻ tuổi. Simon thì dồn dập hỏi Susan với thái độ xóc mé. Hai người dẫn chương trình đóng vai trò thằng hề, nhại lại điệu bộ ngớ ngẩn của Susan Boyle. Mọi người bắt đầu mất kiên nhẫn, ai cũng nghĩ rằng Susan Boyle chỉ có 2 phút là tối đa. Nhưng sau 2 giây, mọi thứ đã thay đổi.


Bài hát “I Dreamed a Dream” của Susan Boyle vút lên, bỗng bừng sáng cả màu cờ nước Anh phía sau lưng. Khán giả đồng loạt đứng dậy, vỡ òa. Ánh sáng đó đánh thức mọi cảm xúc, giác quan, sự nhạy cảm, tình yêu từ tận sâu thảm trong mỗi người. Giọng hát này chỉ có thể đến từ Thiên đàng. Khoảnh khắc sâu sắc này chỉ có thể đến từ Chúa. Và người khơi gợi ra điều kỳ diệu này (chỉ có thể) là Simon Cowell.


Nhiều người cho rằng Britain’s Got Talent là phiên bản của Pop Idol (chương trình gốc) hay American Idol. Sự thực không phải vậy. Britain’s Got Talent nhân bản hơn các chương trình tìm kiếm Idol (thần tượng) ở chỗ, nó không chủ đích tìm ra thần tượng.


Quay lưng với công nghệ tạo nên thần tượng, Britain’s Got Talent bóc tách toàn bộ những giá trị không liên quan tới tài năng ra bên ngoài. Ở đây, Simon đẩy các thí sinh tới tận cùng chân tường của cái TÔI, hoặc chứng minh, hoặc là không. Thí sinh, là những người rất bình thường: có em bé 6 tuổi, có anh chàng nhân viên bán điện thoại di động, có nghệ sĩ hát rong xin từng xu ở ga tàu điện ngầm, có bà nội trợ, có ông già về hưu lẩm cẩm…Không phải ai cũng muốn làm và dám làm thần tượng. Với Britain’s Got Talent, Simon không kinh doanh thần tượng. Hay đúng hơn Simon kinh doanh chuyện cổ tích. Ông ta khiến cho đám đông (thường là xấu xí) tin rằng bất kỳ ai (trong đó chính mình) đều có thể trở thành thần tượng.


Bỏ đi sự tự vệ là khuôn mặt không thể hiện bất cứ xúc cảm nào ra bên ngoài (điều này được chấp nhận như là tinh hoa của xã hội), lần đầu tiên Simon cúi mình và ngả nón kính chào trước Susan Boyle - giọng ca đến từ “Thiên đàng”.


Susan Boyle quả là một cơn gió lạ, thay thế cho những thần tượng õng ẹo và nhạt nhẽo. Nắm bắt được hiệu quả không ngờ từ clip Susan Boyle, Simon không ngừng lăng xê người phụ nữ này bằng cách hạ bệ chính bản thân mình.Trong một cuộc trò chuyện cùng MC Ellen DeGeneres, Simon thú nhận: "Tôi đã sai, tôi sẽ là người đầu tiên thừa nhận chuyện này, tôi đã phán xét cô ấy dựa trên vẻ ngoài và cách cô ấy bước đi trên sân khấu. Và tôi đã tạo nên một cái nhìn ngu ngốc trước con mắt của 200 triệu người. Vậy nên, tôi muốn xin lỗi Susan. Tôi đã học được nhiều điều từ tình huống này".


Thực Simon Cowell đã tạo nên một cái nhìn ngu ngốc hay khán giả quá ngây thơ?


Một số khán giả khôn ngoan đã không tin vào điều này…


Britan’s Got Talent kết thúc. Susan Boyle bất ngờ tuột mất tấm vé gõ cửa nhà Nữ Hoàng Anh quốc. Susan Boyle đã khiến cho nhiều người yêu mến bà thất vọng vì những xử sự bản năng không nên có của một ngôi sao tương lai. Susan Boyle sẽ đi tới thành công hay chỉ là một hiện tượng nhất thời? Điều đó không quan trọng. Hiện tượng Susan Boyle đã đem tới số lượng khán giả khổng lồ chưa từng có cho Britan’s Got Talent. Câu chuyện cổ tích trong thế giới công nghiệp đã thu hút công chúng hơn bất cứ cuộc thi ầm ĩ nào. Và kẻ kiến tạo ra nó, lặng lẽ đứng nhìn từ cửa sổ của tòa lâu đài cổ, tự thưởng cho mình một lý Brunello di Montalcino từ Toscana của Ý.

BOX1:


- Simon Philip Cowell sinh ngày 7 tháng 10 năm 1959 tại Brighton, nước Anh. Simon có ba người anh cùng cha khác mẹ là: Michael, John, Tony, một người chị cùng mẹ khác cha là June và một người em trai tên Nicholas. John là triệu phú trong ngành kinh doanh thuốc tráng phim; Tony là đồng tác giả cuốn tự truyện của Simon; và Nicholas là một ông trùm bất động sản.


- Simon bị đuổi khỏi trường học năm 15 tuổi và làm một loạt các công việc sai vặt nhưng ông không ăn cánh với bạn đồng nghiệp và người giám sát. Cha ông là giám đốc điều hành của công ty sản xuất nhạc EMI, đã nhận ông vào làm tại phòng hành chính. Sau đó ông làm trợ lí chuyên phụ trách mảng thu âm của công ty và tạo dựng thương hiệu của riêng mình: Fanfare Records.


- Năm 2002, Simon lại tạo nên một thương hiệu thu âm khác, Sysco Records, công ty thu âm sau này trở thành một phần của hãng thu âm nổi tiếng : Columbia Records and Sony BMG Music Entertainment.


- Simon là nhà sản xuất đồng thời là người tìm kiếm tài năng đằng sau chương trình England's Pop Idol, chương trình đã mang lại cho ông sự nổi tiếng trên toàn thế giới và dẫn ông tới việc tạo ra chương trình American Idol ở Mỹ. Phong cách gay gắt trong phán xét là lý do chính khiến những chương trình của ông trở nên nổi tiếng. Tên tuổi của ông càng lúc càng lớn cùng với câu nói vô cùng nổi tiếng của ông: “Tôi không có ý khiếm nhã, nhưng….”. Cùng với đó là những nhận xét mang tính hạ nhục tài năng, vẻ bề ngoài hoặc ngay cả tính cách của người dự thi.
BOX 2:


Câu nói nổi tiếng nhất: “Tôi nghĩ bạn phải đánh giá mọi thứ dựa trên sự từng trải của riêng bản thân bạn. Và nếu điều đó có nghĩa là sự chỉ trích thì đúng như vậy đấy, tôi ghét những lời nhận xét mang tính chung chung hoặc lảng tránh. Tôi thực sự thấy ghê tởm điều đó”.

Câu nói hài hước nhất: “Bạn có thực sự tin rằng bạn có thể trở thành thần tượng của nước Mỹ? Tốt, điều đó có nghĩa là bạn bị điếc”.

Y Ban viết cho Tinh Hoa







Lời người viết: Một nhân vật, nhiều cách nhìn. Y Ban là nhân vật mà tôi viết nhiều nhất, mỗi lần viết một góc độ khác nhau. Theo chủ quan của tôi, bài nào cũng có sự hấp dẫn riêng, ko lẫn vào đâu dc. Đây là bài Y Ban viết cho Tinh Hoa (sau lần đầu tiên viết cho Vietimes). Cũng chuẩn bị một bài biếm họa Y Ban cho tờ Đẹp. Tôi đang thử nghiệm xem mình có thể viết một nhân vật theo bao nhiêu dạng khác nhau.

Bài này viết theo chuyên đề "Nàng Hêra và sự lựa chọn", viết trước bài Y Ban và anh Cơ cho tờ Mốt và Cuộc sống (để nguyên, không cắt chữ nào).


Y Ban: Sao Y Ban được nhiều thứ thế?

Người đàn bà trót sa chân vào sự đày ải của kiếp văn chương thường khó có cuộc sống an lành. Chưa kể Y Ban, so với thệ hệ của mình, thế hệ những người đàn bà đã đi qua chiến tranh và thời bao cấp, thuộc dạng mạnh mẽ và ghê gớm lắm lắm. Nhưng trông thế mà không phải thế. Đằng sau sự gào rú và những cơn đồng bóng chỉ trực trào ra khi có người nói chuyện, trong sâu thẳm Y Ban là người thương chồng, thương con hết mực. Bởi thế, “ông trời già” đã sắp đặt cho người đàn bà ngoa ngoắt này một cuộc đời mà nhà văn, đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc từng băn khoăn gọi điện và thốt lên: “Sao Y Ban được nhiều thứ thế?”.

Có thực Y Ban được nhiều thứ thế không?

1. Sự thỏa hiệp của cả một thế hệ

PV: Y Ban có cuộc sống mà nhiều nhà văn nữ mơ ước: một người chồng và hai đứa con (đủ trai, gái) yêu mình. Tôi ngạc nhiên vì một người phụ nữ tưởng thứ - gì - cũng - muốn - đạp- tung như Y Ban lại có sự thỏa hiệp kỳ lạ với chính bản thân mình. Hẳn chị rõ biết điều này, sự an bình cũng có thể là liều thuốc làm tê liệt khả năng sáng tạo. Tại sao chị lại có sự thỏa hiệp đó?

Y Ban: Ngay ban đầu, như bạn đã xuyên suốt, đó là thế hệ của chúng tôi, là thế hệ thỏa hiệp. Phải nói đến thế hệ đã trước khi nói đến cá tính riêng của từng người. Thôi đành ru lòng mình vậy, vờ như mùa đông đã về. (ngâm nga)

Đấy, nó – sự thỏa hiệp - gần như xuyên suốt cả thế hệ.

PV: Căn nguyên của một thế hệ thỏa hiệp?

Y Ban: Một trong những căn nguyên là không dám sống hết mình. Bởi thời gian, thời thơ ấu, cuộc chiến tranh là cuộc mất mát quá lớn. Những thế hệ đi ra chiến trường, mình không hy sinh nhưng liên đới hy sinh. Bố đi ra chiến trường, còn mình mẹ nuôi một bầy con, bữa no bữa đói, và khi cuộc chiến một sống một còn ngoài kia, người ta chết người ta được chết no, còn chúng tôi, những người ở lại, đói triền miên, luôn luôn vật lộn với cái ăn, thì cuộc sống còn gì hơn nữa đâu, mắt thì cắm cúi xuống đường.

Khi đất nước chuyển đổi, chúng tôi hội nhập rất nhanh, nhưng bản thân chúng tôi không thể thay đổi hoàn toàn chính vì sự lưỡng lự. Tôi có thể bỏ được chồng ngay, nhưng những đứa con tôi sẽ nuôi dạy như thế nào khi tôi là một sự thiếu hụt. Và khi bỏ chồng tôi cũng sẽ cặp bồ được ngay, nhưng người đàn ông đấy sẽ như thế nào? Họ có hơn chồng mình được không? Hay chỉ là sự ê chề. Vì sự thông minh của bản thân như thế, tôi luôn nghĩ ra được tình huống. Khi ấy, sự ê chề còn mạnh mẽ hơn. Chính vì sự nhạy cảm đầy lưỡng lự đó mà chúng tôi không muốn đánh đổi.

PV: Không dám sống hết mình trong cuộc sống - điều này có ảnh hưởng đến sự hết mình và cực đoan trong tác phẩm không? Có khi nào chị nghĩ vì mình thiếu sự dằn vặt đau đớn nội tại nên các tác phẩm của Y Ban mới chỉ dừng lại ở mức hiện thực trần trụi, đậm mầu sắc của báo chí. Chị có nuối tiếc vì sống trọn với gia đình mà lỡ dở với văn chương?

Y Ban: Để tôi giải thích vì sự cực đoan. Thực ra sự cực đoan chỉ có trong tác phẩm của tôi mà thôi. Mọi người rất hiểu lầm việc người ta thiếu hụt cái gì thì người ta đưa vào tác phẩm cái đó. Một mặt, người ta nói rằng tôi không được thỏa mãn. Nếu tận cùng, tôi có sự thiếu hụt, đó là tình yêu sex và văn hóa sex. Còn sex không thì tôi nói thẳng là tôi hạnh phúc, vì tôi luôn được thỏa mãn. Cho nên tôi tự giễu mình bằng cách viết như thế. Đấy là cách lừa độc giả. Y Ban nói thẳng chứ không cố tình trốn tránh giải thích. Ở đây không có sự hoàn hảo.


Còn trong văn chương, tôi không ân hận điều gì. Bởi vì tôi không chủ đích cho nó.

2. “Y Ban được nhiều thứ nhưng cũng không được nhiều thứ đâu…”

Y Ban: Trong một buổi triển lãm điêu khắc tại khách sạn Sofitel của chồng mình, có một người phụ nữ mặc bộ đồ toàn trắng. Cô ta trông đẹp, sang trọng nhưng buồn buồn lạ, cứ ngồi lặng lẽ một góc. Đến 12 giờ đêm, có lẽ lúc ấy mới xin được điện thoại, bèn gọi cho Y Ban” Chào Y Ban. Mình là Minh Ngọc đây (nhà văn, đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc, tác giả cuốn “Ký sự người đàn bà bị chồng bỏ” – PV chú thích). Sao Y Ban được nhiều thứ thế?. “Vâng em rất cám ơn chị. Y Ban được nhiều thứ nhưng cũng không được nhiều thứ đâu chị”.

PV: Ý chị là gì?

Y Ban: Cái mất lớn nhất là không được sống trọn vẹn. Nếu chị có tiền trong tay, tôi sẵn sàng ngẩng mặt lên “đạp thẳng” vào một số người. Đau lòng lắm chứ! Đêm về không ngủ được vì mình mất lòng tốt, mất tâm hồn đẹp của mình. Cuối cùng thỏa hiệp, không dám bỏ. Còn trong cuộc sống gia đình, rõ ràng đồng sàng dị mộng, người ta không hiểu hết được lòng mình nhưng là người đàn ông rất tốt, luôn ở bên cạnh mình, lúc mình ốm đau họ chăm sóc mình, chăm sóc con cái. Ngoài những cái đó ra thì không có gì hết. Thèm bao nhiêu yêu thương, bao nhiêu mơ mộng, thèm một cái vuốt ve âu yếm cũng không có. Cuối cùng tâm hồn chai sạn trở thành một cục rất to, chỉ chực bùng lên với chồng thôi. Nó như vết chai ở chân, chỉ chực ai nhoáy vào là gào rú lên, đau kinh khủng. Nhưng rồi phải lắng lại.

PV: Hóa ra Minh Ngọc nhìn Y Ban mà thèm sự yên bình. Y Ban nhìn Minh Ngọc mà cũng thèm sự sống trọn vẹn. Nếu có thể, liệu hai người có dám đổi cho nhau để được thỏa mãn không nhỉ?

Y Ban: Không thể có sự thỏa mãn trong cuộc sống đâu bạn ạ. Tôi thích cuộc sống cao đẹp nhưng mình luôn phải tầm thường nó, cố gắng thỏa mãn bản thân. Đó là điều tôi luôn ân hận. Đêm cứ mở mắt trừng trừng. Có những lúc chán sống hơn tất cả những cuộc thất tình hay những cuộc cãi nhau với chồng.

PV: Mạnh mẽ như Y Ban mà còn phải thỏa hiệp. Vậy những người phụ nữ không thỏa hiệp, sống hết mình thì sao?

Y Ban: Tôi chỉ gặp những người hết mình để yêu thôi (cười), chứ chưa gặp người nào sống hết mình cho sự nghiệp. Có lẽ vì môi trường báo chí và văn chương tạo nên đặc thù như thế chăng? Tôi chưa gặp những người phụ nữ làm nghiên cứu khoa học nên tôi không rõ.

PV: Cụ thể là những ai, những người bạn xung quanh chị?

Y Ban: Ồ, nhiều chứ nhưng tôi không thể nói được.

3. “Tôi là người đàn bà nghi ngờ và lưỡng lự”

PV: Bi kịch của người đàn bà xuất phát từ một đặc điểm tưởng như là đặc tính của người đàn ông, nhưng lại ẩn sâu trong bản năng của giống cái: tính phưu lưu. Nói thế này: Phưu lưu đối với người đàn bà không phải là một cuộc viễn chinh hoành tráng, mà đơn giản chỉ để chứng tỏ (với bản thân cô ta) rằng: cuộc đời này còn nhiều màu sắc hơn là màu xanh buồn bã của sự yên bình.

Nói thật đi, Y Ban trông thế mà lại “nhát”?

Y Ban: Không. Tôi sợ mỗi một điều là tôi sẽ không nhìn thấy. Tôi không dám tin là tôi sẽ có một tình yêu lớn như thế để thỏa mãn được tôi. Tôi là kẻ luôn nghi ngờ. Trong số tử vi của tôi có sao thiên lương là sao nghi ngờ. Người ta nghĩ hai chiều nhưng tôi phải nghĩ tới tám chiều. Không tồn tại một tình yêu như thế.

PV: Hay bởi vì những người bạn đa cảm xung quanh chị đã quá bất hạnh trong bài học tình yêu?

Y Ban: Đúng thế. Và chính điều đó làm cho tôi nghi ngờ. Cho nên tôi thôi.

Nhưng họ lại không thấy đấy làm khổ. Tôi nói với họ: Trời ơi tao như mày tao tự tử cho xong rồi. Họ trả lời: không tao hạnh phúc đấy chứ. Thực ra mình là kẻ thương vay khóc mướn vớ vẩn! Tôi ở hoàn cảnh họ thì tôi không thể vượt qua nổi. Tất cả là do tính cách quyết định hạnh phúc của anh thế nào.

PV: Chị nghĩ sao về những người đàn bà biết yêu mình? Cô ta quá ích kỷ? Quá tham lam?

Y Ban: Phải khẳng định: những người đàn bà biết yêu mình mới chính là những “nàng thơ” tạo nên diện mạo những tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng. Tất cả những người đó như con thiêu thân dám sống hết mình để thỏa mãn được sự yêu mình. Đàn ông cuốn theo họ vì họ quá quyến rũ! Cô cứ yêu chồng, cô cứ hy sinh hết cho chồng con cô đi, rồi chồng cô lại chạy theo người đàn bà biết tự yêu mình. Rõ ràng chúng ta ngưỡng mộ những người đàn bà biết hy sinh, dành cho họ những áng văn đẹp “đằng sau một người đàn ông thành đạt là một người đàn bà biết hy sinh”. Nhưng chúng ta thử hỏi rằng, người đàn bà biết hy sinh đấy, họ được cái gì? Họ chẳng được gì đâu. Họ thành cái bóng.

PV: Y Ban là ai, trong hai loại đàn bà trên?

Trong bản thân tôi, tôi luôn luôn đấu tranh giữa hai con người như thế, vì tôi là người đàn bà lưỡng lự mà. Tôi rất muốn hy sinh. Tại sao không? Tôi yêu những đứa con, chồng tôi quá. Tôi làm hết mình. Đến khi ngẩng đầu lên thấy mình thiệt thòi quá. Người ta có trả lại cho tôi những gì của mình không? Tôi bỗng biết tủi thân và bỗng biết yêu mình.

Nhưng yêu mình ở mức độ nào? Ở đây tôi mới dừng lại ở chỗ chùm kín chăn lên mặt, tưởng tượng và cho vào tác phẩm của mình. Tôi không còn đủ thời gian, và sự lưỡng lự đã làm tôi nhụt hết rồi.

Rốt cuộc đâu là “đền thờ” của một người phụ nữ? Gia đình? Sự nghiệp? Tình yêu? Hay những tưởng tượng lộng lẫy về chính bản thân cô ta? Tôi muốn dùng từ “đền thờ” ở đây, với ý chỉ những điều thiêng liêng trong tận sâu thẳm tâm hồn người phụ nữ, chứ không phải những ràng buộc dựa trên những quy chuẩn đạo đức mà xã hội gắn cho bên ngoài?

Nó tổng hợp rất nhiều thứ. Rất hay là ông trời già không đẩy ai vào chân tường đâu. Lúc tôi sống vì tôi, tôi nằm ỳ trên giường. Con gái tôi bảo, mẹ ơi con thấy cuộc đời mẹ sao tẻ nhạt đến thế? Con ơi thế con không biết đó là giờ phút mẹ hạnh phúc nhất à (đuổi hết chồng, con ra khỏi phòng, trùm kín chăn để tưởng tượng). Đó là lúc tôi tự do nhất, cơ thể thoải mái, đầu óc chu du xuống địa ngục, lên thiên đường, gặp gỡ người đàn ông đẹp trai nhất trên đời, những người đàn ông thông minh nhất và những kẻ củ chuối nhất.

Sau phút đấy tôi lại muốn ra khỏi phòng, xuống đường đi chợ, nấu ăn ngon, mọi người hỉ hả.

4. Ngoại tình trong mơ – bí quyết duy trì hạnh phúc vợ chồng?

PV: Làm văn chương thì cần nhiều tưởng tượng. Mà tưởng tượng lắm thì dễ bị “say nắng”. Tôi nghĩ rằng trong sự thỏa hiệp của chị, thì sự thỏa hiệp nhằm chống lại, hoặc hạn chế những cơn say nắng là sự thỏa hiệp khó khăn nhất?

Y Ban: Khi tôi viết tác phẩm “Người đàn bà ngoại tình trong mơ” mà nhà thơ Giáng Vân rất ghét. Chị ấy bảo sao chị lại dám viết như thế. Vì chị đặt thẳng vấn đề khi người đàn bà làm tình với chồng nhưng lại nghĩ tới người đàn ông khác.

PV: Sao chị Giáng Vân lại ghét?

Y Ban: Vì chị ấy không có chồng nên chị ấy không hiểu được điều đó. Giáng Vân chửi là bệnh hoạn, kinh tởm. Nhưng tôi cũng đã hỏi rất nhiều người phụ nữ, họ nói đó là cách duy trì cuộc sống gia đình. Đàn ông cũng thế.

Suy cho cùng, cái phút lãng mạn tưởng tượng còn đẹp hơn nhiều cho cuộc sống. Mình chỉ thỏa hiệp đến một mức nào đó thôi chứ mình không phải con ngốc. Mình có tiền, làm chủ được cuộc sống gia đình, chồng mình, con cái mình, làm chủ được người đàn ông không phải chồng mình thì tại sao mình lại cứ phải đâm đầu vào chỗ tăm tối.

Mình phải đánh đổi cái gì, phải mất cái gì hoặc phải thỏa hiệp cái gì chứ suốt ngày mình đau khổ thì có mà bị thần kinh.

Trong đầu Y Ban rất nhiều phá cách nhưng mình rất sợ làm tổn thương, làm đau người khác, nhất là ông chồng. Chứ nhiều lúc Y Ban điên lắm, ghét không thể chịu được, cứ nghĩ là không khéo mình mắc tội giết “nó” (chồng) mất! (cười)

PV: Chồng chị có biết chị nói thế này sau lưng không?

Y Ban: Không. Vì tôi nói thẳng với “nó” như thế. Hai cá tính quá mạnh va chạm nhau tưởng không chịu nổi.

PV: Như thế thì Y Ban dễ bị dụ “ ăn trái cấm” lắm?

Y Ban: Y Ban bay luôn nhưng tỉnh ngay. Đấy là cách để chống lại cuộc sống. Chứ chồng Y Ban là một thằng điên, sẵn sàng giết Y Ban rồi giết “nó” luôn. Nó bảo: “Con này ghê lắm. Con này cho chồng ôm nhưng đầu nó thì đang nghĩ đến thằng khác. Tao mà bắt được thì chết luôn”. – Mày đi mà bắt nhé. Đợi hãy hay nhé! (cười lớn)

PV: “Thôi. Đủ rồi. Dừng lại thôi Y Ban ơi”. Chị có hay tự nhủ mình thế không?

Y Ban: Càng về sau nó càng biến chất thành những cơn đồng bóng. Nó rú lên, sẵn sàng chết và sẵn sàng ra đi và sẵn sàng với bất cứ một người đàn ông nào. Nhưng sự đồng bóng chỉ bùng lên, chỉ kịp gào rú, chạy ra đến cửa là đã tắt ngấm rồi, đã lưỡng lự rồi và lại quay về.

PV: Nếu như xuất hiện “một người đàn ông trong mơ” - thấu hiểu Y Ban, bao bọc được những cơn đồng bóng của Y Ban thì sao?

Y Ban: Thì chết. Có thể là một bí mật của Y Ban chăng? Không có người đàn ông như thế. Cho nên lặng lẽ quay về.

Cuối cùng, Y Ban vẫn là Y Ban thôi. Ngày mai tôi sẽ phá cách. Ngày kia tôi sẽ phá cách. Nhưng thực chất vẫn yên bình vì ngày kìa cũng trôi qua yên bình.

PV: Dù sao cũng đến tuổi phải dãn dần rồi.

Nói thế, tôi năm nay 48 tuổi rồi nhưng vẫn tràn trề lắm.
Vẫn tít.
Vẫn bay….

Ngô Xuân