Pages

Thứ Tư, 26 tháng 8, 2009

Câu chuyện về một cô bé không biết tên mình




Câu chuyện về một cô bé không biết tên mình



Thứ tư, 6/2/2008, 07:00 GMT+7. (ngày đăng trên Vietimes)


Ghi chú: Bài này viết rất nhanh trong một mớ cảm xúc hỗn độn, vì bản thân tôi đã được cô bé đó trao tặng cho quá nhiều thứ. Một năm sau đó, Tết 2009, Vietimes tan rã. Tôi cũng không thể quay lại thăm em được vì Kẹo mới 1 tháng tuổi. Khi đăng bài này, do không tìm được ảnh trong máy, tôi thử tìm ảnh trên goolgle và tìm được bài của mình một trang web tuổi teen là đây: http://uhm.vn/forum/showthread.php?t=3782. Điều làm tôi sốc nhất là những lời nhận xét vô tâm phía dưới bài : "Em này già thế nhỷ ?hay là giả vờ ngây thơ để đc ở trại trẻ em mồ côi "..
Ôi, nếu đủ trí thông minh để biết giả vờ, có lẽ cuộc đời em sẽ hạnh phúc hơn thế này nhiều lần.

----------------------------------------------------------------------------------------

“...Tôi ngồi trong căn phòng của em, quan sát em như một người vô hình. Ở đây tôi không còn hiện hữu. Chỉ có em, chiếc giường sắt, cái tủ đựng “kho báu” của em là tồn tại. Tôi lia lịa chụp ảnh như sợ từng khoảnh khắc hiếm hoi bị trôi tuột mất. Sợ rằng, khi ra ngoài xã hội với những con người luôn giằng co trong bộ não của họ điều thiện và điều ác kia, tôi sẽ vô tình quên mất em, quên mất cái đầu-không-suy-nghĩ-gì mà tôi từng được biết...”


Lời ru hàng ngày cho đến ngày cuối
Đã bao lần, biết bao lần
Con người ngủ thiếp, tấm thân gọi người.
Một lần, chỉ một lần thôi
Con người ngủ thiếp, thân người mất luôn.

(thơ của Rene chair, do Ngô Quân Miện dịch).

Những nhân vật mà tôi đã từng gặp, ai cũng đều có một tiểu sử dày đặc thành tích và một hệ thần kinh zíc zắc sự phức tạp. Họ đến từ nhiều nơi, mọi thành phần, nhiều số phận. Đa phần là bi thảm. Nếu không bi thảm ở cuộc sống thì trong lòng họ cũng đã là địa ngục. Thế rồi, một ngày cuối năm, tôi đã gặp được một nhân vật vô cùng lạ lẫm, mà có lẽ, đó là người sung sướng nhất trong tất cả những người mà tôi đã từng gặp.

Đó là một cô bé không rõ tuổi. Chính xác hơn là em không có tuổi, thậm chí cũng chẳng có cái gì để xác định em là trẻ con, là thiếu nữ hay đến tuổi trung niên. Vào những ngày cuối năm trời rét như cắt da cắt thịt, đi đường Hà Nội lắm người đông đúc cũng phải nhồi tới 4,5 chiếc áo dày sụ thì em chỉ mặc mỗi hai chiếc mỏng tang, ở một nơi hẻo lánh.

Nhân mải nghĩ về cô bé, tôi quên không nói rõ là gặp cô ở nơi nào. Đó là một chuyến đi thăm trẻ em mồ côi cuối năm tại Trung tâm bảo trợ xã hội 4. Thực tình, tôi cũng không quan tâm nhiều đến những hoạt động này lắm. Phần vì những điều tiếng không hay từ các trung tâm trẻ em. Một cách xấu hổ, tôi đã do dự. Thế nhưng, chuyến đi này đã đem đến cho tôi nhiều thứ hơn là tôi nghĩ.
Chúng tôi, gồm nhóm phóng viên Vietimes, Hãng phim truyện Việt Nam do nhà văn Thuỳ Linh phụ trách và một số đại diện các công ty tài trợ đã quyết định chuyển toàn bộ tiền thành các vật phẩm như áo len, giầy, bít tất, kẹo sữa thành quà cho các em trong Trung tâm.

Hai bên, người tặng quà và người nhận quà vào cuối năm có nhiều cảm xúc lẫn lộn. Ngay trong đám trẻ em đang háo hức nhận quà, cũng có những đứa trẻ tay đút túi quần, tỏ vẻ “phớt” và thờ ơ. Có những đứa lại hất hàm, yêu cầu giầy đi đúng cỡ. Dễ dàng nhận ra, đây là những đứa trẻ lớn lên và trưởng thành ở đường phố. Chúng đã từng tiếp xúc với cuộc sống, với xã hội, nên sự đón nhận quà cũng như đòi hỏi của chúng hoàn toàn có màu, chứ không đơn sắc như những đứa trẻ sinh ra và lớn lên tại nơi này.

Khi đang lúi húi tìm một cái áo len cho một cô bé vô cùng xinh xắn, tên là Linh, thì áo bông của tôi bị giật giật từ phía sau. Tôi quay lại, nhìn thấy một gương mặt không-bình-thường. Một cô bé có cái mồm không dị tật nhưng lại chuyển động truệch troạc, khuôn mặt méo mó, khoảng cách từ đỉnh đầu đến trán quá dài, đôi mắt thì híp lại.

Cho.. oo á..o.. Cô bé giật mạnh áo tôi. Âm thanh phát ra như bị bóp méo bởi hai cái môi chuyển động không-bình-thường.
Được rồi. Chị sẽ lấy cho. Thế em tên gì?
E..m tên l. à e..m.
Em tên là gì cơ?
E..m tên l.. à e..m (Cô bé nhăn mắt cười khiến hai đôi mắt bé xíu như một dòng chỉ).
Rồi. Áo của em đây.

Tôi lấy một cái áo màu ghi đưa cho em. Khi ấy, định bụng tiếp tục quay lại công việc của mình, nhưng có một cái-gì-đó nháy nháy lên trong tim tôi. Tôi quay lại, vẫn thấy em đứng đó. Như một con người bị bóp méo đến mức kỳ dị trong tranh của họa sĩ Biểu hiện người Anh Francis Bacon, em lại đứng đó, ngay sau lưng tôi. Và, lại tiếp tục cười tít mắt.

Rồi, như một tiềm thức, tôi bỏ công việc, chạy tới nắm lấy tay em. Thấy bỗng dưng có người quan tâm đặc biệt tới mình, em vui quá đỗi, nắm chặt lại tay tôi như sợ tôi trong một giây phút ác lòng nào đó buông ra. Em chạy nhanh, kéo tôi đi băng băng về phía cầu trượt cho trẻ em. Vẫn muốn biết tên em, tôi dừng lại, hỏi:

Chị hỏi lại lần nữa. Em tên là gì?
E..m l.. à e..m. Cô bé nhắc lại điệp khúc nữa.
Thế em học lớp mấy rồi?
E..m h..ọc l.. ớp 3.
Lớp 3? Thế có đọc được Đôremon không?
Kh.. ôn..g. Kh.. ôn...ng b..iết..
Em mấy tuổi rồi?
E..m t.. ên là e..m (lại nói trật ý).

Thở dài. Tôi lấy áo ra, hỏi ý em có muốn mặc quần áo mới không. Em vui sướng, nói “C.. ó..c.. ó” (lần này thì nói trúng). Giữa trời trưa rét, tôi quỳ xuống, cởi áo khoác mầu hồng của em ra, luồn áo len màu ghi cổ chật cho em, rồi lại mặc áo khoác lại. Em sung sướng. Nói “Á..m, ấ..m l. ắ..m”.
Cứ thế, tôi ngồi hỏi em những câu hỏi lặp đi lặp lại để lấy thông tin, nhưng em chẳng biết gì ngoài cười và nói đi nói lại câu “E..m t.. ê..n l..à e..m”. Tôi bảo em dẫn tới phòng ngủ của em, thì em lại dẫn tôi tới phòng vệ sinh! Thế nhưng em vẫn giữ một nét “con người” nhất khi tôi giơ máy ảnh chụp. Lúc ấy, toàn bộ tinh thần và trạng thái của em nở hoa. Khi ấy, trong căn phòng nhỏ mà đồ đạc gần như chẳng có gì ngoài chiếc giường và một cái tủ hoen gỉ mà em coi như là báu vật, em bừng sáng với nụ cười méo mó của mình.

Tôi ngồi trong căn phòng của em, quan sát em như một người vô hình. Ở đây tôi không còn hiện hữu. Chỉ có em, chiếc giường sắt, cái tủ đựng “kho báu” của em là tồn tại. Tôi lia lịa chụp ảnh như sợ từng khoảnh khắc hiếm hoi bị trôi tuột mất. Sợ rằng, khi ra ngoài xã hội với những con người luôn giằng co trong bộ não của họ điều thiện và điều ác kia, tôi sẽ vô tình quên mất em, quên mất cái đầu-không-suy-nghĩ-gì mà tôi từng được biết.

Osho từng nói, mọi người đều già đi. Khi bạn được sinh bạn đã bị già đi rồi - từng khoảnh khắc, từng ngày. Cách duy nhất để bạn không già đi là bạn sống trọn vẹn trong từng khoảnh khắc, từng giây phút này. Vì thời gian sẽ chỉ đi theo chiều ngang, còn sự hiện hữu của bạn ở giây phút này là sự bất tử, theo chiều thẳng đứng. Tôi đã đọc và trăn trở rất nhiều lý thuyết trên, nhưng không thể nào thẩm thấu được. Tôi vẫn nuối tiếc những giây phút đã quá, đau đớn với phút giây hiện tại và hoang mang về tương lai. Còn em, chẳng một lý thuyết, chẳng một cố gắng, em vẫn sống với sự vĩnh cửu và niềm vui bất tận của mình. Em chẳng phải cố gắng gì cả. Bởi thế, em là người hạnh phúc nhất.

Khi em đang mở to mắt chụp ảnh theo theo kiểu “xì tin” của các cô gái mới lớn, cô bé tên Linh tôi tặng quà dở lúc đầu bước vào. Tôi muốn thử nói chuyện với một cô bé kiểu khác, một cô bé không- chỉ - biết - tới - tên - mình. Linh học lớp 8, 14 tuổi nhưng lớn phổng phao. Linh đeo đôi khuyên tai mỹ ký màu hồng, cổ đeo một dây chuyền lóng lánh trông rất bắt mắt. Linh có đôi mắt to, đuôi dài lung liếng báo hiệu sự biết yêu sớm hơn tuổi. Cặp môi Linh mỏng, rất nét. Khuôn mặt bầu bĩnh, dáng người dong dỏng. Linh đẩy ánh mắt hơi coi thường về phía em, đang ngồi thừ ra như một bức tượng. Có lẽ Linh đang thắc mắc tại sao tôi lại quan tâm tới một cô bé bị bệnh Đao như thế.

Khi tôi chưa kịp hỏi, Linh đã khoe ngay:

“Em đã từng đóng phim rồi chị nhé. Ở đây nhiều chị nhà báo đến phỏng vấn em lắm. Có lần một chị đến nói chuyện với em cả ngày. Em kể hết, từ chuyện hay đến không hay của Trung tâm. Sau đó khi lên báo, các thầy cô biết được lột quần em ra đánh một trận. Mà em cũng hay bị phạt vì tội trốn học lắm. Ghét nhất là phải quét dọn chuồng lợn. Ở đây bọn em không được nghe điện thoại. Muốn nghe thì phải có tiền. Nếu chị muốn liên lạc với em thì cho em địa chỉ để chị em mình viết thư cho nhau nhé”.

Tôi trả lời ậm ừ, ghi qua loa vài dòng địa chỉ nhà tôi cho lịch sự. Thú thật, cô bé này có nhiều thứ từ ngoại hình đến suy nghĩ hơn gấp ngàn lần cô em bị bệnh của tôi, nhưng tôi hoàn toàn không có hứng thú. Cô bé quá khôn ngoan và già dặn. Những chi tiết em vô tình hay hữu ý nói cho tôi, tôi cũng buồn không quan tâm đến tính xác thực của nó.

Tôi chợt bừng tỉnh. Hoá ra những đứa trẻ bất hạnh nhất của Trung tâm này, cũng như bao Trung tâm bảo trợ xã hội khác sẽ là những đứa trẻ có nhiều ưu thế về khả năng tiến thân và gia nhập xã hội. Khi chúng càng ý thức được vị trí của chúng, chúng sẽ càng bất hạnh. Khi chúng được ông trời ban cho sự đẹp đẽ ở bề ngoài thì ông trời cũng sẽ lấy đi những giây khắc thanh thản và hạnh phúc trong lòng chúng. Tôi nhìn thấy rõ điều đó, khi những đứa trẻ đứng một góc sân đẩy ánh mắt hững hờ với chúng tôi và những món quà từ Hà Nội. Tôi nhìn thấy rõ điều đó, khi ở trong căn phòng này, với Linh - một cô bé vô cùng xinh xắn, và em tôi, một đứa trẻ bị thiểu năng trí tuệ.

Có lẽ em tôi là đứa trẻ hạnh phúc nhất. Không biết đến tên của mình, cũng không đau đớn với sự bỏ rơi của cha mẹ ruột, cũng không biết tới cái tuổi mà mình đang mang theo.
Em không già, mà cũng không trẻ. Em chỉ là em, hiện hữu mãi với giây khắc này, với niềm sung sướng này.

Có lẽ em sẽ là người hạnh phúc nhất, bởi em không phải gánh chịu “ba độc” của đời người là tham, sân, si. Cho dù em có méo mó về hình thể, chưa hoàn thiện về ý thức, và mọi người nhìn em dị dạng như chúng ta đứng trước những bức tranh méo mó của danh hoạ Francis Bacon, thì chúng ta vẫn phải thốt lên câu: Con người chính là ở đây!



Thay lời cuối:
Chứng kiến bữa ăn rôm rả nhất trong năm của các em vào những ngày cuối Tết này, tôi cũng muốn ngồi ăn thử bởi lây cái “háu ăn” từ các em. Mọi món ăn, từ thịt gà, thịt bê, thịt bò được phủ đầy bàn, cạnh đó là một chai nước ngọt một lít to ụ. Bàn nào cũng chật ních người. Có những em không có ghế, đói quá, đành đứng mà ăn. Tiếng cơm nhai rào rào như một trận mưa xuân. Chỉ riêng bàn ăn của em là trơ trọi. Bàn ăn duy nhất trong cả phòng mà chẳng ai thèm tranh chỗ ngồi. Em ngồi đó, cùng với một bạn nam bị tật nguyền ở tay. Tay cậu bé cầm cái bát khó khăn, co quắp lại trông đến tội nghiệp. Em tôi thì khá hơn. Nó ăn rất nhanh, mút miến chùn chụt. Thi thoảng ăn háu quá miến trôi tuột, rơi xuống đùi tứ tung. Tôi hỏi thằng bé ở một bàn khác, để biết được tên của em tôi. “Nó là Hương. Toàn bị em cốc đầu trêu suốt. Nó không biết gì đâu, chị đừng hỏi nó”. Thằng bé ráo hoảnh trả lời.

Hoá ra, tên em là Hương.

Xuân Anh (Vietimes)


Y Ban: "Tôi và ạnh Cơ "điên" lệch pha


Điêu khắc đồng của Trần Hoàng Cơ: Cuộc chiến giữa Béo và Gầy?
Chủ nhật, ngày 16 tháng tám năm 2009

Y Ban trên Mốt và Cuộc sống

Y Ban: “Tôi và anh Cơ “điên” lệch pha”


X.A

Ngôi nhà chật hẹp bên cạnh sân vận động hàng Đẫy không chỉ bị “chấn thương” bởi những cổ động viên quá khích, mà còn bởi hai thành viên “quá khích” trong gia đình: nhà văn Y Ban và nghệ sĩ điêu khắc Trần Hoàng Cơ. Hàng xóm ở đây luôn than phiền và sẵn tay là gọi 113 khẩn cấp. Một năm 365 ngày thì gần như ngày nào họ cũng phải nghe âm thanh tra tấn từ ngôi nhà: tiếng gào rú, tiếng thét, tiếng cãi vã, chửi rủa. Ấy thế mà sáng hôm sau lại tay khoác tay cười phớ lớ. Ngôi nhà đó đã tồn tại trong tình thế “lưỡng hổ tranh hùng” gần 20 năm nay…

1. Tự dưng “tao” với “mày” lại yêu nhau…


PV: Lần đầu tiên chị gặp anh nhà như thế nào?

Chúng tôi gặp nhau rất sớm trong buổi đầu tinh khôi. Năm 1978 tôi từ Nam Đinh lên Hà Nội học đại học, cùng với bà dì út nhà Cơ. Lúc đấy bé tí, buộc cái nơ trên đầu. 17 tuổi cao 1m52, nặng 40 cân là chuẩn lắm. Bà dì út nhà Cơ với tôi chơi rất thân với nhau. Bà mẹ chồng Cơ là chị cả. Cứ đến thứ 7, CN hai chị em cùng nhau đi chơi, một trong những địa chỉ là nhà cơ. Nhà Cơ 3 anh em trai, Cơ là thứ hai. Họ biết tôi từ lúc đấy.

PV: Anh Cơ hồi thanh niên hẳn đẹp trai, tóc dài, đẹp lãng tử và lạnh lùng nhỉ?
Không hề. Chỉ thư sinh thôi. Trông Cơ bình thường như những người khác. Khuôn mặt gầy gò. Cho đến giờ tôi toàn trêu bọn trẻ con nhà tôi: mặt bố mày là mặt “kẽ nách”!. Hẳn ta bộp luôn: Mày nói gì? À, tao bảo mặt mày là mặt “chính khách”. Các cụ ngày xưa dùng từ mặt “kẽ nách” để chỉ những người đàn ông mặt không phương phi, gầy gò, con gái.

PV: Tôi thấy vợ chồng chị xưng hô với nhau rất buồn cười, toàn mày tao chí tớ. Còn tình cảm lắm là Ban ơi, Cơ ơi. Hỏi thật, đương thời tán tỉnh nhau chắc cũng phải anh anh em em chứ?

Nhà tôi trong trạng thái chưa phút nào là anh em cả. Bởi tôi đến nhà Cơ còn gọi bố mẹ Cơ là anh, chị theo cách gọi của cô bạn (là dì út của Cơ). Chú út nhà đấy còn gọi tôi bằng cô. Đúng hôm cưới mới chuyển gam.PV: Thậm chí cả lúc tình tứ nhất cũng vẫn là mày, tao?Đúng vậy. Kể từ hồi yêu đến giờ chưa. Từ năm 1985 đến giờ, gần 25 năm rồi, lời yêu thốt ra vô cùng khó khăn, hình như 1, 2 lần gì đấy.

PV: Thế tự dưng tỏ tình kiểu gì?

Chẳng đứa nào nói cả. Có lẽ hấp dẫn nhau bằng linh cảm. Mình đến đấy, bẽn lẽn xấu hổ, không dám ngồi xuống ăn, con gái nhà quê mà! Cơ cầm tay kéo phắt xuống mâm cơm, nói: Úi dời ơi, cứ ngại làm gì!Hồi đó biết là bằng tuổi nên gọi là mày, tao, nhưng vẫn tránh gặp nhau. Chúng tôi gặp nhau nhiều nhất là sau năm 1984, sau khi Cơ đi bộ đội về, tôi dạy ở trường Y Thái Bình. “Hắn” lúc đó chắc cũng đã chính chắn để nói chuyện yêu đương. Việc đầu tiên “hắn” lấy sự chú ý của tôi bằng cách bảo tôi ngồi làm mẫu vẽ. Cơ vẽ nhiều bức to lắm, rất nhiều bức phác họa. Nhưng sau đó gia đình nhà tôi như “thiên tai” ấy, tất cả những “di sản” đấy bao nhiêu lần điên là bấy nhiêu lần xé sạch. (cười).

2. “Mỗi lần điên lên là Cơ xé tranh vẽ tôi…”

PV: Hai người đều là nghệ sĩ mà sao nhẫn tâm với đứa con tinh thần của mình thế?

Tôi kể chuyện này nhé: Cái ngày dự lễ liên hoan tốt nghiệp trường viết văn Nguyễn Du, tôi cho phép mình mặc áo dài đi chơi đến tối khuya mới về. Đến nhà thấy bản thảo bị xé toạc. Tôi gào rú lên khóc, xong lấy một cây gậy dài đập tới tấp vào tượng của Cơ. Nhưng “hắn” cũng chẳng dám đánh tôi. Bà mẹ chồng liền xông vào: Sao chị dám đập tượng của chồng? Cơ kéo mẹ chồng tôi lại: Đấy là tượng của nó. Không phải của mẹ!.Đó là một cuộc cách mạng văn hóa đầu tiên. Sau vụ đấy chúng tôi không bao giờ “phá hoại” của nhau nữa. Còn ngày trước, có những cuộc cãi vã to nhỏ là Cơ xé tranh vẽ về tôi hết. Cơ tự phá của Cơ thôi. Còn Cơ phá của tôi duy nhất là tập bản thảo đã viết tới 15 chương, nhưng tôi không muốn phục hồi lại.

PV: Anh chị có bao giờ xô xát bằng vũ lực không?

Bây giờ nhà tôi chỉ dùng đấu tranh bất bạo động thôi. Nhưng hồi đầu yêu nhau cũng có. Khi tôi còn học viết văn Nguyễn Du, đương ngồi với cả bạn nữ cả bạn nam thì xông vào tát bốp một cái rồi bỏ chạy. Tôi ớ người ra, xông vào tận ổ nhà Cơ đánh lại, rồi đi thẳng về. Mà Cơ hay làm cho tôi xấu hổ lắm. Một bữa tôi đang học trong lớp, hắn núp ngoài lấy chân đá đá vào cửa. Thầy đang giảng bài bèn ngó ra. Thế là hắn vào, đứng ngay giữa lớp, vẫy tôi: Ban ơi đi về! Tôi ngại quá, phải ra khỏi lớp. Con trai lớp tôi bắt đầu lên cơn, định đánh Cơ một trận rồi vứt xuống hồ (hồi đấy trước trường Nguyễn Du còn hồ rau muống). Hôm đó tôi đang ngồi trong phòng ký túc xá với Cơ, tự dưng thấy con trai hùng hùng hổ hổ đi qua cửa. Nhưng chỉ đi vụt qua, nhìn vào phòng tôi rồi chạy. Lúc sau tôi hỏi: Ơ hay hôm nay chúng mày diễu binh gì vậy? Hôm nay chúng tao họp nhau để đánh thằng Cơ. Nhưng cãi nhau mãi ko đứa nào dám đánh quả đầu tiên, mà chỉ dám đánh quả thứ hai. Có thằng yêng hùng nhất đòi đi tiên phong, nhưng sợ quá lại nhẩy ụp qua. Tôi cười phá lên: Thế mà đ….gọi tao! Tao sẽ đấm quả đầu tiên. Chúng mày dại. Thua “nó” là phải! (cười to). Nói thế thôi chứ hôm cưới lớp tôi đến đông cực kỳ, rất vui vẻ.


PV: Trong tiểu thuyết mới nhất, Xuân Từ Chiều, Y Ban có đưa một nhân vật khá giống anh Cơ ngoài đời: Cũng là dân điêu khắc, cũng bễ lò rèn ngày trước cửa nhà…Trong đó nhân vật nữ thất vọng vì anh chồng ban đêm chỉ biết vào buồng vợ, lột quần ra và làm tình hùng hục, không bao giờ biết đến một nụ hôn cả. Hình như chị đang dự định viết một truyện ngắn, với tựa đề “Người đàn bà truy tìm những nụ hôn”. Điều này có liên hệ gì với anh nhà không?

Chồng tôi buồn cười lắm, thích ngáng chân vào vợ và con khi đi ngang nhà. Nghéo một cái ngã lăn đùng, thế là cấu chí nhau, rồi phả hơi vào mặt nhau. Đến lúc này thì chiu, chạy trận. Mồm ông ấy hôi kinh khủng. Mỗi lần Cơ đánh răng là thằng bé lại ré ầm lên trêu: Ối mẹ ơi hôm nay bố đánh răng! Còn hôm nào hắn tự thấy mình hôi quá, sẽ tự tuyên bố: Hôm nay “ông” sẽ đánh răng cho thiên hạ chết hết. Một là lụt. Hai là bão (cười lớn!).

PV: Chồng chị và chị ai điên hơn ai?

Bằng nhau. Tôi ăn miếng phải trả miếng. Nhưng cái điên nhà tôi lệch pha. Khi tôi điên thì Cơ tỉnh, Cơ điên thì tôi tỉnh. Còn khi hai kẻ cùng điên thì tôi không biết thế nào. Nó như hai quả cầu lửa va đập tạo nên sức hủy diệt khó lường.

PV: Với mối quan hệ gia đình, anh Cơ cực đoan tới mức nào?

“Hắn”ghét kinh khủng sự ngoại tình.PV: Ghét ra sao?Cơ không cho tôi chơi với những người bỏ chồng. Nếu ai đến nhà, bao giờ cũng hỏi con bé này chồng con thế nào. Nếu chồng con đuề huề thì rất quý, nhưng chỉ cần bỏ chồng là lần sau đến lườm, đuổi ngay ra khỏi nhà. Hắn nói: ngưu tầm ngưu, mã tầm mã. Có những người bạn nhiều tuổi tự có con một mình. Ban đầu quý lắm nhưng khi có con thì ghét. Nhà tôi lại nuôi một con mèo cái, tên Bờm. Tôi đùa Cơ: Con này hình như nó gào đực rồi. Thế là Cơ ghét nó lắm. Mấy mẹ con cười to, rất khoái chí.PV: Hai anh chị đã va chạm tới mức muốn bỏ nhau chưa?

Đến lúc căng thẳng nhất, thực ra do hoàn cảnh nhiều, mẹ chồng không chia nhà, chỉ cho một khoảnh đất bé tẹo. Đó là mâu thuẫn của gia đình lớn. Nó ào lên giống cơn lốc, nhưng sau đó xẹp rất nhanh vì con cái, và hai đứa đều biết điểm dừng. Bạn tưởng tượng nhé, nhà rộng hơn 1 mét, mái đổ xuống. Đầy tượng ở trong. Tôi làm thêm 1 gác xép, đặt vừa đúng 1 cái chiếu. Đi lên phải khom người ko đụng vào mái lợp proxi măng. Cơ để một bễ lò rèn ngay đằng trước cửa. Nắng hè tôi đi làm về, đứng trước cửa thở dài, không biết nên điên hay thế nào. Nhưng đỉnh điểm là khi con tôi vào lớp một, chú út mở quán cà phê bên cạnh, nhạc to ầm, bên cạnh con tôi học. Tôi về chỉ biết đổ lên đầu chồng thôi. Thế là Cơ quá bức xúc, đánh tôi, tôi bỏ đi. Rồi mẹ con tôi đi đâu, Cơ lại đi theo đấy.

3. “Chúng tôi không bao giờ hiểu được ẩn ức của nhau”

PV: Tình yêu của anh chị nghe có vẻ “bạo lực” quá nhỉ. Cũng đúng thôi bởi chị và anh Cơ đều sở hữu những tính cách nóng như lửa. Tuy nhiên, không phải lửa nào cũng thiêu đốt nhau. Tôi biết có những gia đình cần sự xung đột như một chất xúc tác để duy trì tình yêu gia đình. Nhiều người đánh nhau, chửi nhau như người ngoài đường chợ, nhưng chỉ sau một đêm ái ân là lại xoắn xuýt như lũ mèo. Phải chăng một đôi vợ chồng nghệ sĩ cần nhiều hơn những xung đột của cuộc sống hôn nhân bình thường, như thế họ mới thăng hoa?

Hôm trước có một tạp chí hỏi Cơ về làm chồng nhà văn thế nào, “đồng chí” hỏi ngay: Em định hỏi anh về nghệ thuật đích thực hay manơcanh hiện đại. Tôi muốn nhắc lại vì nếu nói làm chồng của bà nhà văn, hay vợ một ông nghệ sĩ điêu khắc thì việc đầu tiên họ phải là người đã. Nhiều đôi vợ vợ chồng ko nghệ sĩ mà sống với nhau cực kỳ nghệ sĩ. Cho nên ở đây, chúng ta phải định nghĩa và lượng giá trước với nhau, thế nào là một gia đình nghệ sĩ? Quan sát, tôi thấy nếu lấy thước đo mày tao chi tớ, suốt ngày cãi chửi nhau thì 30% gia đình VN đều như vậy. Còn lấy thước đo những kẻ lãng mạn, bốc đồng thì phải tới 50% gia đình VN như thế. Tôi nghĩ chẳng có định nghĩa nào về vợ chồng nghệ sĩ hay không nghệ sĩ cả. Tất cả do cá tính mỗi người quyết định.

PV: Chồng chị, nhà điêu khắc Trần Hoàng Cơ là một trong những nhà điêu khắc gây ấn tượng nhất thế hệ của mình. Dù về mặt thương hiệu cá nhân tại Việt Nam, anh không nổi tiếng nhưng lại được nhiều chuyên gia nước ngoài đánh giá cao. Một họa sĩ trong nghề nói rằng, anh Cơ cực đoan tới mức đóng toàn bộ cánh cửa của xã hội, tự nhốt mình và chửi rủa. Thậm chí trong triển lãm có người chìa tay ra làm quen, thì Cơ lại rụt vội tay vào túi, hất hàm: Ông nghĩ ông có những tác phẩm nào mà dám bắt tay tôi? Chồng chị là một người rất điên, rất cực đoan. Chị có thực sự hiểu được những ẩn ức của chồng?

Cái đó tôi không thể hiểu nổi. Cơ dứt khoát không đi làm ở cơ quan nào, từ nhà nước tới tư nhân. 18 tuổi Cơ bắt đầu đi làm công nhân ở xí nghiệp do bố làm giám đốc, sau đó đi bộ đội. Từ khi học Yết Kiêu năm 1990 cho đến giờ toàn làm việc ở nhà. Có lẽ đồng chí ấy ghét sự ê a của cơ quan Nhà nước.Dù hoàn toàn mọi việc kiếm tiền đặt lên vai tôi, nhưng tôi đánh giá Cơ rất cao ở sự chăm chỉ, miệt mài. Cơ ngồi ở nhà lọ mọ làm một mình, có quyền chơi lúc nào thì chơi, hứng lúc nào thì làm. Nhưng hầu như Cơ làm hết thời gian, say mê công việc kinh khủng. Ở trong làng Canh (đất đã bán), Cơ một mình lọ mọ sắm tất cả đồ nghề. Có những khối đá to kinh khủng, 5, 6 người mới khiêng nổi mà vẫn tự làm. Lần bị tai nạn, xẻ đá chạm vào 5 ngón tay làm ngón tay gần như đứt hết, Cơ lấy giẻ quấn, chạy sang hàng xóm nhờ. Hàng xóm chẳng có vải, bèn lấy quần áo mềm của mấy đứa trẻ quấn cho Cơ. Lúc đấy đến bệnh viện, bác sĩ bảo nếu ko khéo phải cắt hết 5 đầu ngón tay. Nhưng may là da Cơ lành, cuối cùng cũng khỏi, phải mất hàng tháng trời. Sau đó khỏi, Cơ lục tất cả quần áo cũ của con cái đem cho ông hàng xóm, chỉ vì sống ngay cạnh mà ko biết người ta nghèo thế nào, đến lúc cấp cứu mới thấy ko còn gì để xé ngoài cái quần của con họ.

PV: Anh Cơ có đọc tác phẩm của chị không?

Có nhưng không đọc nhiều. Hắn hiểu, nhưng cứ câng câng: Viết thế thì đeo mo vào mặt.

PV: Làm văn chương thì cần nhiều tưởng tượng. Mà tưởng tượng lắm thì dễ bị “say nắng”. Anh Cơ có bao giờ nghĩ trong tưởng tượng của vợ mình có người đàn ông khác?

Có chứ. Cơ nói: Mắt tôi không thấy là tim tôi không đau. Sau đó chuyện này chuyển thành câu chuyện hài hước trong gia đình. Vợ chồng tôi chưa bao giờ cãi vã nhau vì người thứ ba. Đó là chuyện không bao giờ xảy ra.

4. Cái lõi của bánh xe hạnh phúc


Lời người viết: Nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc, tác giả cuốn “Ký sự người đàn bà bị chồng bỏ”, khi biết nhà điêu khắc Trần Hoàng Cơ là chồng của Y Ban, lặng lẽ ngồi một góc khách sạn Sofitel. Đến gần 12 giờ đêm xin được điện thoại Y Ban, chỉ gọi điện nói một câu: Chào Y Ban, mình là Minh Ngọc đây. Sao Y Ban được nhiều thứ thế?Có thật Y Ban được nhiều thứ thế?Cá nhân tôi không nghĩ vậy. Chẳng phải bỗng dưng người đàn bà luôn nghĩ “mình xấu thì không có quà”này lại có quá nhiều món quà trong cuộc sống. Y Ban không bao giờ có được sự tự do tuyệt đối trong sáng tác. Nhà điêu khắc Trần Hoàng Cơ cũng vậy. Y Ban chỉ biết tới khái niệm điêu khắc động mà không biết tới quan điểm mỹ học của chồng, cũng như anh Cơ không bao giờ hiểu được tính đàn bà trong văn chương Y Ban. Thế giới nghệ thuật của hai con người này không bao giờ gặp nhau, nhưng chính vì lẽ đó mà họ không có những cuộc cãi vã vô nghĩa vì nghệ thuật. Điều này thật may mắn!Hơn nữa, mọi thứ có thể xoay chuyển, nhưng cái lõi của bánh xe hạnh phúc - hai đứa con là hằng số không bao giờ thay đổi. Cho dù nhà điêu khắc trong khi say ngất có quay đầu vào tường mà khóc với Y Ban rằng “Bố mày lấy mày đời khổ quá!”, thì họ vẫn chẳng thể bỏ nhau để bớt khổ. Số phận đã trói buộc hai kẻ thét ra lửa dưới gầm trời này với nhau, âu cũng là minh chứng hiếm hoi cho sự bền vững của một đôi vợ chồng nghệ sĩ.


BOX :Chuyện kể một lần Cơ dậy con:Cơ điên nhưng dậy con cái rất tỉnh. Sau khi nhận trách nhiệm dạy dỗ con thay cho tôi, Cơ không bao giờ quát mắng con học cả. Có lần, đứa con gái tôi không biết mắc tội gì mà tôi điên quá, cầm roi xông lên định hỏi tội. Cơ chặn ngay đầu cầu thang, bảo: Mày mày đi chợ đi để tao ở nhà tao đánh nó cho. Nhưng tôi chưa hả giận. Tôi ngồi ở dưới nghe ngóng xem đánh thế nào. Người phụ nữ rất buồn cười. Tự tay đánh con thì không sao, còn người khác đánh con, cho dù là chồng, thấy con gào rú là xông vào đánh chồng ngay.Tôi ngồi yên, thấy roi vụt đen đét. Nhưng lại nghe thấy tiếng con bé cười nhanh nhách. Tôi xông lên. Hóa ra con kia cứ nhí nháu, còn chồng chỉ vụt roi dưới đất thôi. Thế là tôi tức quá, xông vào, đấm, đá con. Cơ như thằng điên, ôm lấy tôi, kéo tôi ra khỏi nhà, cài chặt cửa vào. Con bé ở nhà ngồi khóc. Tôi đi chợ một lúc thì nguôi ngoai. Tối khuya, nó xuống phòng tôi bảo: Mày biết sao không? Từ tối giờ tao phải xoa vết đánh của mày để con gái khỏi tủi thân đấy. Mày đánh nó như thế khác gì đánh vào da vào thịt mày không?

Tôn Nữ Thị Ninh của một ngày phi công việc


Đăng bài lên blogspot vào Chủ nhật, ngày 16 tháng tám năm 2009. Tháng viết: tháng 9/2008

Tôn Nữ Thị Ninh của một ngày phi công việc

Ghi chú của người viết: Bài này viết trong chuyền đề "Vẻ đẹp không tuổi" của Tinh Hoa, bên cạnh những người phụ nữ đẹp khác như ca sĩ Ái Vân, doanh nhân Đường Thu Hương, hoa hậu Đền Hùng Giáng My.


Thật sự, tôi muốn viết về bà Ninh với một chân dung khác: gai góc của một người từng trải, khôn ngoan của một nhà chính trị và bản lĩnh khi đối diện với đám người biểu tình chống Cộng mà bà thường xuyên bị phản đối ở California. Nhưng trong khuôn khổ một tờ tạp chí sang trọng, và yêu cầu phải chuẩn với nhịp điệu đèm đẹp của chuyên đề, tôi đã phải biến những ý tưởng của mình thành một bài viết khác, theo phong cách một bài báo nước ngoài viết về Margaret Thatcher. Toàn bộ bài là những câu hỏi ngắn cụt lủn khi tôi vừa phải giúp bà chỉnh áo (bà thay áo 4 lần theo yêu cầu của người chụp ảnh). Sau khi đám chụp ảnh kéo về, tôi chỉ có duy nhất 30 phút nói chuyện với bà.


Sau khi xuất bản bài, rất nhiều người thích bài này. Riêng 2 người không thích, ít ra tôi chắc chắn vậy, chính là bà Ninh và tôi. Có lẽ bà Ninh không thích viết về mình như một người phụ nữ đỏm dáng mà muốn tôi nói về dự án Trí Việt.


Hôm đó tôi mặc một chiếc váy bầu màu tím, khá đẹp nhưng sở dĩ không đi guốc được vì mang âầu tháng thứ 7 rồi. Có thể bà Ninh liếc qua chân tôi (với đôi dép không hợp), hoặc có thể tôi quá nhạy cảm. Nhưng dù sao, bài viết đã hoàn thành, tôi cũng mỉm cười hài lòng. :D


----------------------------------------------------------------------------------------


Người phụ nữ quyền lực luôn phải đứng trên đầu ngọn gió và dùng sự nữ tính của mình như một sợi cỏ lau – vừa đu theo chiều gió vừa lại vừa có thể quật mạnh làm những kẻ muốn nô đùa phải rát mặt. Tôn Nữ Thị Ninh là một người phụ nữ như thế, sở hữu trong mình sự cương quyết của người từng bôn ba bốn biển với vai trò từng là Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội và đại sứ di động, am hiểu chính trị quốc tế, lại có cái nhu của người phụ nữ trong những cuộc đàm phán song phương và đa phương.Nhưng tôi không muốn tìm một Tôn Nữ Thị Ninh như một biểu tượng đẹp của Ngoại giao Việt Nam. Mà muốn tìm thấy bà với hình ảnh một người phụ nữ bình thường, cùng những khoảnh khắc của sự bình yên. Tìm đến bà vào một buổi sáng cuối hạ, qua khung cửa sổ xanh rì của căn hộ tập thể Giảng Võ, thấy bến đỗ sau những “cuộc chơi” chính trị nơi xứ người của bà thật êm ả.Một ngày chủ nhật phi chính trị, nắng nhảy nhót khắp nơi, bà ngả lưng trên chiếc ghế sô pha, chậm rãi đọc một vài tập tài liệu về giáo dục. Khuôn mặt bà chùng lại, khoan khoái. Âm điệu bản Mùa hè của nhà soạn nhạc làm rạng rỡ cho âm nhạc Phục Hưng Ý AntonioVivaldi như được vang lên và réo rắt trong từng góc nhà…

BOX: 1Trong suốt buôỉ chụp hình, bà Ninh tỏ ra bối rối. Một gương mặt xuất hiện dầy đặc trên báo chí và truyền thông nhưng lại vụng về khi tạo dáng. Mỗi lần phía tay máy di chuyển về phía gương mặt thanh tú, bà lại ngại ngần, đôi chút căng thẳng, yêu cầu tôi cùng trò chuyện để mình thêm tự nhiên. Bà nói, tôi chỉ tự tin khi được trò chuyện.

BOX 2Đặc tính của một người làm ngoại giao uyên thâm là giỏi quan sát, nhạy cảm và khôn khéo. Khi gặp Tôn Nữ Thị Ninh, tôi đi một đôi dép màu nâu hòan tòan không ăn khớp với váy tím phía trên. Khi vắt chéo chân ngồi theo phép lịch sự, bà Ninh nhìn lướt qua chân tôi, rất nhanh, một tích tắc , ngay lập tức đưa mắt nhìn về phía khác. Tôi biết điều đó. Sự giả vờ tảng lờ của bà khiến tôi vài phút bối rối. Đó là cách của những người giỏi che giấu cảm xúc của mình. Bà được rèn khả năng này từ hồi còn học ở Sorbonne (Pháp) và Cambrigde (Anh). Người Pháp nói riêng cũng như người Tây âu nói chung ít khi biểu lộ thái độ của họ, nhất là với người lạ.


1. Tôn Nữ Thị Ninh mặc một chiếc áo vest không cổ cách điệu màu ghi xám, thoang thoảng mùi nước hoa Kenzo D’Or dịu nhẹ ra đón khách. Hai căn hộ tập thể ở khu Giảng Võ sắp sang tên vì gia đình chuyển vào TP.Hồ Chí Minh ngổn ngang áo quần. Căn nhà này chứa nhiều kỷ vật nơi hơn 60 quốc gia, lãnh thổ Tôn Nữ Thị Ninh đi qua: từng chiếc đĩa, bát, búp bê, đèn, chân nến, tranh, tượng đều được đặt trong những góc trang trọng.


Người phụ nữ này khi đương nhiệm cũng như khi về hưu, luôn có dáng đi chậm rãi và thong thả. Bà dẫn chúng tôi vào phòng khách. Một căn phòng nhỏ, nội thất cổ điển với những chiếc quạt Marvelli mang về từ nước Ý. Không gian ở đây là sự pha trộn của một chút mềm mại, một chút sang trọng, và một chút thân thiện.


Hôm nay bà trang điểm nhẹ, đôi môi tô màu hồng phấn điểm son bóng lấp lánh. Mắt mầu sáng, lông mày lướt qua bằng chì bột, khuôn mặt hầu như không đánh phấn nhưng rất mịn màng. Rõ ràng không thể nhìn thấy những dấu hiệu lão hóa của người ở tuổi lục tuần. Giọng nói bà trầm bổng, một gióng nói vẫn giữ nguyên gốc Huế, nhưng được làm nhẹ đi nhờ cái chất Pháp từ thuở sinh viên học tại trường Sorbonne. Tôi thấy bà có nét nào đó giống Tổng thống Philippines, bà Gloria Arroyo, nhưng phảng phất sự sang trọng của người Pháp, lại pha trộn với sự lạnh lùng của người Anh.


Khi nói chuyện, ánh mắt bà luôn nhìn thẳng đầy tự tin. Đó là ánh mắt tinh nhanh nhưng ấm áp. Khuôn mặt, cử chỉ, phong thái, giọng nói bà tỏa ra một năng lượng hấp dẫn người đối diện. Điều đó khiến bà luôn tự tin và làm chủ, kể cả trong những cuộc đàm phán quốc tế trước hàng trăm chính trị gia quốc tế.Có người nói với tôi, Tôn Nữ Thị Ninh ngòai đời không đẹp như trên ti vi. Điều này hoàn toàn là cảm tính. Ở bà có một sự hấp dẫn vượt ra khỏi giới hạn vẻ đẹp thông thường.


Nó toát ra từ tinh thần, phong thái, sự tự tin, duyên dáng vô cùng tự nhiên, không chút gượng gạo. Cử chỉ của bà khi tiếp xúc với người trẻ hay cao niên, người nông dân hay chính khách lớn (như Tổng thống Thụy Sĩ) đều giữ một phong thái như vậy. Bà hòan toàn làm chủ được cuộc đối thoại và kéo người khác theo nhịp chậm rãi và nhẹ nhàng. Giống như khi ta nói chuyện với một người Paris chính cống, khi anh to tiếng một chút, người đó sẽ đưa tay lên miệng, nói: doucement, doucement (tạm dịch: nói khẽ thôi, khẽ thôi).


Hình như, càng về già Tôn Nữ Thị Ninh càng đẹp. Một vẻ đẹp từng trải, chững chạc, đằm thắm, mà người đối diện khi ngắm nhìn sẽ phải thắc mắc không biết hồi trẻ bà đẹp đến dường nào. Tình cờ xem được một bức ảnh đen trắng thời trẻ, vẫn là khuôn mặt đó nhưng thiếu sự sang trọng, tinh tế và duyên dáng như Tôn Nữ Thị Ninh ở tuổi 61. Dù vậy, bà có vẻ không hài lòng lắm với thân hình mà bà cho là “đồ sộ”: “Tôi không còn thon thả nữa, đến hơn 50 tuổi là phát tướng rồi. Áo dài chỉ phù hợp với người thon. Bây giờ nếu mặc áo dài sẽ tôn cái không hay của mình”.


Mà đúng là bà không tự tin với áo dài thật, ít khi thấy Tôn Nữ Thị Ninh xuất hiện với hình ảnh trang phục truyền thống như những nữ chính trị gia khác. Bà mang phong cách toàn cầu, như nhận xét của phóng viên người Mỹ Martha trên tạp chí Heritage: “Trong bộ trang phục sẫm màu lịch lãm với một chiếc khăn choàng duyên dáng trên vai, bà Tôn Nữ Thị Ninh hòan toàn mang phong cách một nhà nữ ngoại giao quốc tế, với trình độ học vấn và sự hiểu biết sâu sắc cùng một tính cách rất tự nhiên và cởi mở”.


Thay cho áo dài, trong tủ quần áo ngồn ngộn đồ của bà là đồ Âu cách điệu, áo tơ tằm, đũi, lụa…từ một cửa hàng may quen thuộc tại Hà Nội. Hoàn tòan không thấy bóng dáng của những bộ quần áo hàng hiệu đắt tiền, kể cả hàng hiệu của Việt Nam. Nhiều trang phục do chính bà thiết kế, lựa chọn kiểu dáng. Bà quan niệm, không ai hiểu ưu và khuyết trên cơ thể bằng chính mình, kể cả những chuyên gia làm đẹp. Tại những cuộc thương thảo quốc tế quan trọng, đón tiếp chính trị gia nước ngoài hay những cuộc đàm thoại trực tuyến, bà vẫn luôn tự trang điểm và lựa chọn trang phục.


2. Trong nhiều năm qua, bà Ninh để kiểu đầu tóc ngắn, ngôi lệch sang một bên phải, lộ cổ cao ba ngấn và khuôn mặt quý phái kiêu hãnh. Thường thì chính khách nữ, nhất là chính khách nữ khu vực Đông Nam Á hay mặc gam màu lạnh như ghi, xám nhạt, xanh nước biển thẫm, tím thẫm, trắng…cùng kiểu đầu ngắn phi dê. Hiếm khi thấy họ mặc bộ vest màu đỏ chóe hay màu hồng tươi, xanh tươi. Có lẽ cách vận đồ như vậy khiến họ thêm nhiều sức mạnh, quyền uy và sự chuyên nghiệp chính trị ở một nơi mà văn hóa nam quyền ngự trị. Dễ thấy nhiều nữ chính trị gia thế giới cũng thường xuyên xuất hiện với hình ảnh như thế.


Nhưng không vì tính trang nghiêm và “đóng hộp” từ công việc mà Tôn Nữ Thị Ninh lại không phá cách. Bà có rất nhiều đồ trang sức “hàng khủng” bằng gỗ to đùng (thường chỉ thanh niên cá tính mới thích đeo) lượm được từ những lần sang Bắc Âu, vùng của văn hóa gỗ. Thường bà chỉ dùng khi đi chơi, mặc cùng bộ vest cách điệu. Bà Ninh cũng sở hữu nhiều túi, nhiều giày dép. Bà có đến 50 đôi giày, túi, cái nào cũng xinh xinh vừa tiền. Loại đắt nhất là Nine West, một thương hiệu dòng trung của nước ngòai, giá chưa đến 1 triệu đồng.


Bà quan niệm, thời trang là sự phù hợp chứ không phải thương hiệu. Nhiều người Việt Nam, kể cả những người có dịp công cán khắp nơi cũng không ý thức được “thế giới của sự xa xỉ” quốc tế. Bà nói: “Sính đồ hiệu nhất là người Trung Quốc, Nhật và Việt Nam. Họ đi đường tắt, mua cái đắt nhất mà không hiểu tại sao lại phải bỏ chừng đấy tiền. Trong khi chỉ cần bỏ một nửa tiền vẫn mua được đồ sang trọng, đẹp và hợp với mình. Vẫn độc đáo, vẫn đồ da, vẫn tốt. Cái mình trả là tên tuổi, chứ không phải đồ da của Gucci là tốt hơn. Và tôi biết rằng ở Châu Âu có nhà máy sản xuất phấn làm đẹp cho phụ nữ, cũng nhà máy đó cung cấp phấn cho Channel, Yves Saints Laurent, và cả những mỹ phẩm dòng rẻ tiền”.


Hồi nhỏ, giống như nhiều bé gái khác, Tôn Nữ Thị Ninh thường long dong theo vú em đi chợ. Bà vú chiều, thấy trẻ con thích ăn đồ chiên là mua. Thói quen đó đến giờ vẫn còn ảnh hưởng đến Tôn Nữ Thị Ninh. Bà đi ngược lại với những phương pháp giữ gìn sắc đẹp của phụ nữ. Bà hầu như không ăn kiêng, không sợ đồ béo. Bà cũng không chơi thể thao, không tập Yoga, không vào salon thẩm mỹ thậm chí còn không bôi kem vào mỗi buối tối.


Bà kể rằng mình rất ghét những người luôn có câu cửa miệng: tôi đang bận lắm, nhưng chính bà cũng dành câu này cho những bài tập thể dục. Bà nói, lao động bằng trí óc đã đủ tốn năng lượng lắm rồi. Hẳn là một câu bào chữa. Nhưng đúng là ông trời phú cho bà vẻ tươi trẻ lâu dài. Quãng những năm 1992, có lần bà được mời đi ăn tối cùng một nhà báo Ấn Độ của tờ Reuters, ông này sau vài phút do dự, đã buột miệng: Xin lỗi bà, tôi rất tò mò. Nhưng nếu bà không trả lời thì không sao. Nhưng tôi muốn hỏi bà đã trên bốn mươi chưa? Tại sao tôi lại hỏi như thế, vì với cái chức của bà, bà phải trên bốn mươi rồi. Nhưng nãy giờ quan sát bàn tay của bà tôi thấy bàn tay của bà có vẻ trẻ hơn tuổi bốn mươi, bởi thông thường phụ nữ có thể giấu được tuổi tác qua khuôn mặt, nhưng không giấu được tuổi qua cổ và đôi bàn tay. Tôn Nữ Thị Ninh cười: Ông ơi tôi trên bốn mươi rồi! .Đúng là hiếm thấy một người phụ nữ có tuổi lại có đôi bàn tay đẹp và mịn màng như bà. Khi được hỏi, nếu da bị nhăn nheo liệu có phẫu thuật thẩm mĩ để giữ gìn hình ảnh đẹp lúc đương nhiệm không, bà dứt khoát: ““Nhăn cũng là một vẻ đẹp. Nhiều tấm ảnh chụp cụ bà dân tộc nhăn như một quả táo tầu ngâm mà rất đẹp. Phải tách ra khỏi đầu khái niệm đẹp là trẻ, là trơn tru. Nếu có phải bơm mặt vì da xệ, tôi cũng không bao giờ bơm. Nếu mặt mình nhăn thì mình phải chấp nhận thôi. Phải có nghệ thuật “đánh lạc hướng” bằng sự hài hước, trí tuệ, phong thái”.


3. Người phụ nữ của xã hội luôn chịu nhiều thiệt thòi và áp lực hơn đàn ông, chưa kể đến những người phụ nữ có vai trò là khuôn mặt đại diện quốc gia như bà Tôn Nữ Thị Ninh. Trong nhiều chuyến công du nước ngòai trước đây, với danh tiếng về “tài và sắc ngọai giao” của mình, bà bị chấn vấn và phản đối bởi những phần tử cực đoan. Bà bị gọi là “cái lưỡi gỗ” và nhiều lời đả kích tục tĩu. Trong bà có một sự chịu đựng mãnh liệt và vô biên, sống trọn vẹn với lý tưởng và chọn lựa của mình.


Là hậu duệ của hoàng tộc Huế, với tư cách lịch sự và sự uyên thâm trong kiến thức, sành sỏi những vấn đề quốc tế, khôn khéo trong giao tiếp, bà Tôn Nữ Thị Ninh đã chiếm được nhiều cảm tình của nhiều thành phần những nơi bà đi qua, đặc biệt là nước Mỹ và Châu Âu. Nói không quá lời, bà đã có những đóng góp không nhỏ trong việc thúc đẩy sự giao tế từ những nước trên với Việt Nam. Giám đốc Trung tâm Đông Nam Á Shorenstein ở Stanford (Mỹ) đã từng nhận xét: “Trong môi trường ngoại giao nói riêng, nhất ngoại giao đa phương, có thể nói rằng không có một lãnh đạo Việt Nam nào có thể đại diện cho Việt Nam một cách ý tứ và bặt thiệp như bà Ninh".


Đối với họ, bà là một cầu nối nhỏ đến với người Việt Nam trong những chuyến công du ngắn ngủi. Bà là con thoi chạy giữa phương Đông và phương Tây.


Nhưng về căn bản, Tôn Nữ Thị Ninh vẫn là một người phụ nữ Á Đông đúng nghĩa.


Hơn ba mươi tuổi Tôn Nữ Thị Ninh mới lập gia đình. Bà chỉ có một cậu con trai duy nhất, năm nay cũng chỉ mới ngoài hai mươi. Chồng bà là cán bộ giảng dạy toán. Khi còn đương nhiệm chức Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, bà không có thời gian làm nội trợ, nhưng đến ngày cúôi tuần là trổ tài. Bà nói, tôi nấu ăn không tốt nhưng có khả năng làm cho chồng ngạc nhiên. Thi thoảng ông ấy cũng phải thốt lên: bà cũng nấu được thế này cơ à. Đối với bà có bình đẳng giới trong gia đình, nhưng không cứng nhắc như người phương Tây mà uyển chuyển. Sau khi về hưu, bà có nhiều thời gian hơn cho gia đình. Bà tránh những event, hội họp để nghỉ ngơi.


Chiều về như bao phụ nữ khác, bà bắt đầu đi chợ, nấu một bữa cơm ấm cúng cho hai bố con. Bà vui vì nhiều người nông dân bán rau ở khu Giảng Võ cũng nhận ra bà. Họ nói với người bên cạnh: Cô đừng bán cho bà này đắt nhá. Bà ta là lãnh đạo mà thương người lắm đấy!Quả là bà đang tận hưởng những giờ phút chậm rãi của tuổi về hưu.Thế nhưng bà cũng chẳng ở trạng thái “nhàn rỗi” này lâu đâu. Vì dự án Đại học Trí Việt đang khởi đầu ở những viên gạch đầu tiên.


Chẳng bao lâu nữa, bà và gia đình bé nhỏ sẽ rời khỏi căn hộ bình yên này để chuyển vào Nam, xa rời những kỷ niệm cũ kỹ của quá khứ.


Và những ngày sắp tới, những ngày - của - công - việc lại bắt đầu.

Phan Châu Trinh - "Nam quốc dân quyền tiên tổ chức"




Chủ nhật, ngày 16 tháng tám năm 2009

Phan Châu Trinh - "Nam quốc dân quyền tiên tổ chức"







Đám tang Phan Châu Trinh





Lời người viết: Bài này viết khi chỉ còn 2 tuần nữa là sinh bé Kẹo. Bụng nặng nề, ậm ịch. Tháng 12/2008 trời rét căm căm, nhưng đọc xong một xấp tư liệu về ông mà người bừng bừng khí thế. Bài này đăng cho Tinh Hoa tháng 12, chuyên đề "Biểu tượng Việt Nam". Vì không nhờ được nhà sử học nào viết ngắn gọn và dễ đọc (đối với độc giả) về PCT nên cuối cùng bắt tay vào tự tổng hợp và viết thành bài này. Cũng nhọc công chẳng kém gì bài viết chân dung!

(Ghi chú: Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc trong câu đối viếng Phan Châu Trinh đã tôn vinh cụ Phan là “Nam quốc dân quyền tiên tổ chức”, người tổ chức dân quyền đầu tiên ở nước Nam).

1. Đám tang “big bang của tinh thần yêu nước”

6 giờ sáng ngày 4 tháng 4 năm 1926, đất trời còn xám xịt. Không khí nặng nề như thể sắp xảy ra một vụ nổ bất ngờ. Dân chúng Sài Gòn bỗng dưng đổ ra đường, kéo dài trên 2 cây số cùng vô vàn biểu ngữ yêu nước. Người người đi sát sạt nhau như bầy kiến, có lẽ phải tới hơn một phần ba dân số Sài Gòn lúc bấy giờ là 300 000 người. Một đám tang kỳ lạ và hùng vĩ để tưởng nhớ người chí sĩ yêu nước Phan Châu Trinh, diễn ra ngay trong lòng chế độ thực dân Pháp. “Sự kiện to lớn chưa từng xảy ra trong lịch sử Annam” – chữ dùng của Nguyễn Ái Quốc đã báo hiệu sự đổ vỡ của chế độ thực dân bao phủ Việt Nam suốt một trăm năm đô hộ. Hơn nữa, cuộc truy điệu tự bản thân đã tạo thành một cú nhấn nút thức tỉnh tinh thần yêu nước, trực tiếp hoặc gián tiếp, để rồi từ đó lên đường theo con đường cách mạng.
Sau ngày Phan Châu Trinh mất, Phan Bội Châu, mặc dù đã bị Phan Châu Trinh kịch liệt bác bỏ công kích cũng đã tự kiểm rất chân thành và ca ngợi: “Ông Phan ta ra đời nghiên cứu học thuyết ông Lư Thoa, phát minh ra lời ông Mạnh Đức, đem hai chữ dân quyền hò hét trong nước như một tiếng sấm vang làm cho bao nhiêu giấc mơ phải dậy, mà dân tộc ta từ nay mới biết mình có quyền. Quyền dân cao hơn thì quyền vua sụt xuống. Nay ông đã qua đời rồi mà cái chủ nghĩa của ông ngày càng sáng chói. Hết cả đồng bào trong nước từ đứa trẻ con cũng cúng lạy ông, khấn vái ông. Vậy là cái nghĩa dân quyền dạy bảo con người đã đi sâu vào trong óc rồi đó”.
Phan Châu Trinh là ai? Vì sao đám tang của ông cho đến tận hơn 80 năm sau vẫn là một sự kiện chưa từng xảy ra trong dòng chảy vô tận của lịch sử Việt Nam? Vì sao cho đến ngày nay những thuyết triết của ông vẫn còn nguyên giá trị? Vì sao ở thời đại “toàn cầu hóa”, những đau đáu về “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” của ông năm xưa vẫn còn nguyên vẹn? Vì sao những lời nhắc nhở của ông vẫn là vô cùng cấp thiết và khẩn cấp với toàn tri thức Việt?
Các nhà sử học, dù thuộc trường bất kỳ trường phái nào, cũng không thể phủ nhận, Phan Châu Trinh là nhà dân chủ đầu tiên của Việt Nam. Nhà văn Nguyên Ngọc nhận định: Những vấn đề cơ bản nhất làm nền tảng cho độc lập tự chủ và phát triển dân tộc mà Phan Châu Trinh đã thống nhất nêu lên từ đầu thế kỷ XX, trong đó trung tâm là vấn đề dân trí thì đến nay vẫn còn nguyên đấy. Đó là một nhiệm vụ, một món nợ mà lịch sử còn để lại cho chúng ta ngày hôm nay: nhiệm vụ xây dựng một xã hội dân chủ trên cơ sở một dân trí được nâng cao.
Học giả Hoàng Xuân Hãn, mấy mươi năm sau gọi đám tang của Phan Châu Trinh là “một big bang của tinh thần yêu nước”. Một đám tang có tính chất tự phát, không do chức quyền đứng ra tổ chức, làm cho bất kỳ nhà cầm quyền nào cũng phải suy nghĩ. Đó là đám tang của con người có “khuôn mặt được coi là sáng giá nhất Việt Nam” đầu thế kỷ XX.
2. Kẻ lữ hành cô đơn của thời đại
Phan Châu Trinh là “nhà cách mạng đầu tiên ở Việt Nam”. Nhà cách mạng ở đây không chỉ là người chống ngoại xâm, mà còn là người muốn làm thay đổi xã hội, thay đổi một cách căn bản. Phan Châu Trinh đã đi Nhật trên chiếc tàu biển, giả làm một người thợ đốt lò, để tận mắt quan sát công cuộc Duy Tân của Nhật Bản. Chuyến đi thử nghiệm đã đưa ông tới hai kết luận lớn. Thứ nhất, “xem dân trí nước Nhật rồi đem dân trí ta so sánh thật không khác gì đem con gà độ với con chim cắt già…Trình độ quốc dân Nhật như thế, trình độ quốc dân ta như thế, không nô lệ làm sao được”. Kết luận thứ hai, qua những tranh luận thẳng thắn và quyết liệt với Phan Bội Châu: Nhật Bản nhất định sẽ trở thành đế quốc.
Nước Nhật, cùng xuất phát điểm như Việt Nam với quyền hành tối cao thuộc về Nhật hoàng, nhưng quyền lực thực tế lại thuộc về về Mạc phủ Tokugawa. 200 năm thời kỳ “bế quan tỏa cảng” của chế độ Mạc phủ có nhiều điểm tương đồng với sự đóng cửa bảo thủ của chế độ phong kiến Trung Quốc và Việt Nam. Nhật Bản trước khi “mở cửa” vẫn là một nước nông nghiệp với mối quan hệ sản xuất phong kiến lạc hậu. Khi ấy, dưới áp lực của phương Tây, mà đầu tiên là Hoa Kỳ, Nhật Bản đứng trước 2 lựa chọn: 1. Tiếp tục duy trì chế độ phong kiến lạc hậu để thế lực thống trị (Mạc phủ) giữ được quyền lực càng lâu càng tốt với nguy cơ trở thành một nước thuộc địa. 2. Đi theo con đường cải cách đất nước với cơ hội trở thành một cường quốc như các nước phương Tây.

Và lịch sử đã chọn Nhật Bản, hay đúng hơn chính những nhà tư tưởng cấp tiến Nhật Bản đã chọn cho mình số phận thoát ra khỏi nước thuộc địa, trở thành nước tư bản chủ nghĩa đầu tiên của châu Á. Thời kỳ Minh Trị bắt đầu năm 1868, bắt đầu từ bỏ những tập tục có hại và sẵn sàng học hỏi phương Tây. Chính phủ mới bãi bỏ hệ thống lãnh địa, tuyên bố “Tứ dân bình đẳng” (sĩ, nông, công, thương không còn bị phân biệt). Chính phủ còn tuyên bố quyền tự do buôn bán. Về giáo dục, có nhiều cải cách quan trọng, đặc biệt là chế độ cất nhắc cán bộ theo trình độ (tân học), không chọn lựa con nhà quý tộc làm quan như trước. Nhiều chuyên gia phương Tây được mời tới Nhật Bản để phổ biến kiến thức và kỹ thuật, những học sinh giỏi được cử sang Tây du học.

Cuộc cách mạng Minh Trị Duy Tân đã mở đường cho Nhật Bản thoát khỏi số phận một nước thuộc địa hay nửa thuộc địa, kéo theo sự phát triển khiến Nhật Bản vươn vai trở thành người khổng lồ cho đến tận ngày nay.

Năm 1872, bốn năm sau thời kỳ Minh Trị bắt đầu, tại Việt Nam, nhà dân chủ đầu tiên đã ra đời tại làng Tây Lộc, một làng nhỏ nằm sâu trong một hóc núi lấn khuất ngày ấy thuộc huyện miền núi Tiên Phước, nay đã chuyển sang huyện Tam Kì, tỉnh Quảng Nam. Nhưng khác với những chí sĩ cách tân Nhật Bản, nhà dân chủ ấy, Phan Châu Trinh luôn là kẻ lữ hành cô đơn, ngay cả trăm năm sau khi thời đại của ông đã sang trang.

Nhưng ông không phải là kẻ đốt đền Herostratus, cho dù ông – “người Quảng Nam hay cãi” - đã quyết cãi lại toàn bộ giới sĩ phu thông thái nhất thời đại ông. Phan Châu Trinh một mình khẳng định chân lý mới. Ông không phỉ báng thần thánh, không quay ngoắt với những giá trị tinh túy của dân tộc. Ông chỉ chỉ trích những hủ lậu của xã hội phong kiến nghìn năm, cũng như cái lạc hậu mà dân tộc ta đang sống trong một ốc đảo rất xa xôi tách biệt với đại dương tri thức nhân loại. Phan Chu Trinh kiên quyết và súc tích: “Chi bằng học!”
Cần biết rằng thời đại của Phan Châu Trinh là những năm tháng đen tối nhất của lịch sử Việt Nam. Bi kịch yêu nước trở nên túng quẫn từ sự thất bại của phong trào Cần Vương. Sự đổ máu anh hùng nhưng vô nghĩa vì bế tắc, luẩn quẩn trong tầm nhìn cũ. Cũng chính thân phụ của Phan Châu Trinh đã chết thê thảm trong khởi nghĩa Nguyễn Duy Hiệu năm ông 16 tuổi (trước đó năm 10 tuổi, mẹ ông mất). “Đêm tối thực sự là đêm tối, không một tờ báo nào, không ai hiểu bây giờ trên thế giới đang diễn ra những gì” (Hồ Chí Minh).
Nhà Nguyễn xây dựng một chế độ phong kiến chuyên chế cao độ, tư tưởng chính thống là tư tưởng Tống nho, một thứ “Nho giáo mang tính giáo điều, nó tạo nên một tầng lớp nhà Nho bảo thủ, tự mãn, thủ cựu chống lại mọi các mới về chính trị kinh tế” (Phan Ngọc).
Khi những người thức thời như Nguyễn Trường Tộ khuyên vua Tự Đức dạo qua bên Tây xem văn minh người ta để học hỏi, thì nhà vua trả lời: Nhật nó là dòng mọi, Xiêm (Thái Lan) là dòng mọi, mọi thì nó học với mọi được. Chúng ta là con thần cháu thánh lẽ nào ta đi học mọi hay sao?
.3. Phong trào Duy Tân – cuộc vận động cải cách giáo dục vĩ đại
Nhưng đúng là chúng ta phải học “mọi”. Trước khi sang Nhật Bản để biết tại sao nước này hùng mạnh nhờ phong trào Minh Trị Duy Tân, Phan Châu Trinh đã cùng hai người bạn thân là Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp, đều ở độ tuổi “tam thập nhi lập”, đã tìm đến ánh sáng của tri thức qua tân thư.
Đó là những cuốn sách kinh điển của các nhà các mạng tư sản dân quyền Pháp như Rousseau, Montesquieu, của những nhà Duy Tân Trung Quốc Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu, sách về công cuộc Duy Tân của Minh Trị ở Nhật. Phan Châu Trinh đã bừng tỉnh để hiểu ra rằng: Nguyên nhân mất nước không phải ở đâu khác mà là ở trong văn hóa, trong “những nhược điểm cơ bản về văn hóa xã hội Việt Nam”.
Thời đại đã thay đổi. Đối thủ của chúng ta cũng đã thay đổi. Chúng ta đang thua kém, so với phương Tây. Thua một cách tất yếu, vì chúng ta thấp hơn họ cả một thời đại.Sau chuyến đi Nhật, học thuyết cứu nước của Phan Châu Trinh đã dứt khoát hình thành. Ông từ giã Phan Bội Châu, lập nên “bộ ba Quảng Nam” khởi xướng phong trào Duy Tân. Từ Quảng Nam, phong trào nhanh chóng loan ra khắp Trung Kì, rồi cả nước, chấn động cả chính quốc Pháp.Phong trào Duy Tân thực hiện nhiều công việc trong đó có lập hội buôn, lập trường tiểu học phổ thông ở nông thôn, lập hội tân học, hội diễn thuyết, hội trồng cây, tổ chức các thương hội, thương cuộc, các hợp thương, quốc thương các công ty ở Phong Thử, Hội An, Huế, Nghệ An, Phan Thiết…
Về cách sống, phong trào Duy Tân đề xướng việc cắt tóc ngắn, mặc âu phục, bài trừ hủ tục. Thực chất của những việc này là “bỏ cái ngu này, bỏ cái dại này, cho khôn cho mạnh”. Cắt tóc là Duy Tân là thể hiện tinh thần chống phong kiến Nam triều, học theo người Tây để chống Tây, được dân chúng phản ứng nhiệt liệt. Thực dân và triều đình nhà Nguyễn gọi những người nổi dậy ở Quảng Ninh là “giặc cắt tóc”. Rõ ràng, cắt tóc là cách mạng. Vua Thành Thái khi ấy thường cải trang vi hành, nghe và ảnh hưởng phong trào Duy Tân, cắt bỏ cục tóc trên đầu. Sau này toàn quyền Beau kết tội vua bị bệnh tâm thần và phế đế, lập Duy Tân (Vĩnh San) lên ngôi (sinh 1900- mất 1945).
Các hoạt động trên, nếu đem so sánh với thời đại bây giờ thì không có gì là to tát. Nhưng đằng sau những hội tưởng như “vô thưởng vô phạt” “tầm thường”, là một cuộc cách mạng sâu sắc, toàn diện của thế kỷ XX. Đó là cuộc cách mạng đổi mới cách sống, khai thông dân trí. Chính xác hơn, đó là những tư tưởng đầu tiên về một xã hội dân chủ, mà thực chất rất gần gũi với nền chính trị của nhiều quốc gia tiên tiến nhất của thế kỷ XXI này. Phong trào nổ ra năm 1906, và chỉ hai năm sau, 1908 đã cho thấy sức mạnh của nó bằng sự kiện long trời lở đất “Trung Kì dân biến” 1908.
Nhìn lại phong trào Duy Tân, nhà văn Nguyên Ngọc cho rằng: “Không có một tổ chức đảng hay mưu đồ khởi nghĩa nào hết. Chỉ có một cuộc khai hóa rộng lớn và sâu sắc, bằng một công cuộc gieo rắc vào quảng đại quần chúng những kiến thức và tư tưởng mới, làm cho cái quần chúng đang sống trong cõi tối tăm mịt mùng ấy biết rằng có một thế giới mênh mông bao quanh mình, cái mà ngày nay ta gọi là một cuộc toàn cầu hóa đang diễn ra, đang sống trong thế giới ấy, mình phải và có thể vươn tới, hòa nhập vào cái thế giới ấy, cái thế giới trong đó mỗi con người đều có những quyền của mình, mình phải và có thể đang không được hưởng. Phan Châu Trinh là người có lòng tin khổng lồ vào sức mạnh tri thức…Trao sự hiểu biết cho dân, có thể nói đó là tất cả nội dung chủ yếu của phong trào Duy Tân Phan Châu Trinh.
Tư tưởng dân chủ của Phan Châu Trinh, ban đầu người Pháp mừng rỡ vì cứ ngỡ là “học Tây, thân Tây”, càng dễ cai trị. Nhưng không ngờ phong trào Duy Tân gây ảnh hưởng sâu rộng, đụng vào thực chất quyền lợi của người dân, đã khiến người Pháp rất lo ngại và phải tự cảnh tỉnh: Phan Châu Trinh không tỏ ra bạo động như Phan Bội Châu nhưng nguy hiểm hơn cho sự thống trị của người Pháp tại Việt Nam (Louis Bonhoure, Toàn quyền Đông Dương nhận xét).
Sử sách thế giới ca tụng Mohandas Karamchand Gandhi (1867-1948) đấu tranh bất bạo động với người Anh dành độc lập cho Ấn Độ, nhưng nhà cách mạng Phan Châu Trinh của Việt Nam thời ấy đã đấu tranh giành độc lập với tư tưởng bất bạo động với thực dân Pháp trước cả Gandhi. Ông nói: “Không nên trông người ngoài là ngu, không nên bạo động, bạo động là chết. Tôi chỉ có một lời để nói với đồng bào, không gì bằng việc học…Chỉ nên đề xướng dân quyền, dân đã biết có quyền thì việc khác có thể làm”.

4. Thay lời kết

Với tất cả sự thật khắc nghiệt của Lịch sử, 100 năm qua chúng ta vẫn tiếp tục “cuộc cách mạng tân văn hóa” còn để dang dở từ con người ấy.Trong cảnh đêm đen tối thực sự là đen tối (Hồ Chí Minh), Phan Châu Trinh xướng minh nhân quyền, đả phá chuyên chế, bài xích hủ nho, nói những điều chưa ai nói, làm những việc chưa ai làm, sự thức tỉnh ấy là thực sự cần thiết.

Còn nhà sử học Daniel Héméry, một người nghiên cứu khá sâu về Việt Nam (và khá sâu về chủ tịch Hồ Chí Minh) đã viết: “Khuôn mặt vĩ đại của Phan Châu Trinh theo tôi là khuôn mặt đáng chú ý nhất trong lịch sử văn hóa và chính trị Việt Nam ở thế kỷ XX, bởi chính ông đã xác định một cách rành mạch, sáng rõ nhất những nan đề đặt ra lâu dài mà các thế hệ người Việt Nam sẽ phải – và mãi mãi còn phải – đảm nhận.
Thực tế lịch sử không bao giờ đi đúng nguyên con đường những người định dẫn dắt nó đã đề ra. Lịch sử đã diễn ra như thực tế đã diễn diễn ra. Nhớ câu “Chớ đem thành bại luận anh hùng”, xin được trích dẫn ý của TS. Thu Trang, khi bà nhắc lại lời của triết gia Nietzsche khi viết về Phan Châu Trinh: “Có vô vàn sự việc mà nhân loại đã thu đạt được trong bao thời kỳ trước, nhưng với một vẻ rất nhỏ, rất yếu tựa như còn trong trứng, nên người ta không trông thấy được sự thành hình. Nhưng với thời gian, có khi cần đến hàng thế kỷ, những sự việc ấy mới nổi bật lên trong ánh sáng…”.
Triết gia Nietzsche sống mười năm cuối đời trong tình trạng mất trí. Ông hoàn toàn không hay biết về những thành công và danh tiếng ngày càng tăng do các tác phẩm ông để lại. Nhà văn người Nga Dostoievski phải một thời gian dài sau khi mất mới được đặt vào đúng vị trí lịch sử. Nhà dân chủ đầu tiên Việt Nam - Phan Châu Trinh cũng không là ngoại lệ. Phải chăng những vĩ nhân đều chở trong mình sứ mệnh đặc biệt của thời đại? Và bởi vì thế mà họ luôn là kẻ lữ hành cô độc?

Xuân Anh (tổng hợp)

Câu chuyện đằng sau bản di chúc của tình yêu thương


Thứ ba, ngày 18 tháng tám năm 2009

Câu chuyện đằng sau bản di chúc của tình yêu thương


Hà Nội những ngày tháng 2 năm 1976, gần một năm sau ngày Thống nhất, người Việt Nam đã được ăn một cái Tết trọn vẹn của độc lập và tự do.Trong những tháng ngày hân hoan đó, tại căn nhà số 2 phố Trần Hưng Đạo, một bản di chúc đã được viết ra từ một người phụ nữ. Đây không phải bản di chúc phân chia tài sản, quyền lợi cũng như trách nhiệm vật chất của người viết để lại cho con cháu. Mà đó là bản di chúc của TÌNH YÊU THƯƠNG.


Đám cưới Nguyễn Văn Huyên - Vi Kim Ngọc
“ Ngày 17 tháng 2 năm 1976,Các con yêu quý,Mẹ muốn sống cùng các con thiếu cha còn mẹ, nhưng các con thương yêu của mẹ ơi! Sống làm sao mãi mãi……Có ai ngờ ngày vĩnh biệt người cha vĩ đại lại đã đến bất ngờ, vì vậy cha chẳng ghi chép lời nào cho mẹ con mình.Mẹ nghĩ dù sao cũng để lại vài ý nghĩ cho các con, các cháu làm lưu niệm…Phần cha kính yêu để lại cho các con là một lưu niệm vô giá. Các con trai, con gái đều có bộ óc kiến thức độc lập. Bộ óc đó biết suy nghĩ lẽ phải, điều trái để xử thế với đời. Điều đó không có giá nào mua được, tạo được…Mẹ mong tha thiết các con gái, con trai, con rể, con dâu sống với nhau hạnh phúc như cha mẹ, đồng thời các con hun đúc truyền thống nếp sinh hoạt cao thượng của ông bà cho các cháu rất thương yêu! Hết thế hệ này sang thế hệ tiếp theo bao giờ cũng giữ nếp nhà xứng đáng con cháu của ông bà…”.


Bản di chúc chỉ vỏn vẹn trong một trang nhưng đằng sau đó là một câu chuyện rất dài của một dòng họ tri thức Việt Nam trường tồn từ đầu thế kỷ XX cho đến tận ngày nay. Một dòng họ đã giã từ sự vàng son, sang trọng của chế độ phong kiến và thực dân đem đến để đi theo Cách mạng. Một dòng họ mà những người con sau này cống hiến cả tình yêu và tuổi trẻ cho lý tưởng xây dựng Tổ quốc. Và cả những người cháu, người chắt sau này cũng sẽ tiếp tục nối gót truyền thống yêu nước của ông cha mình.


Người phụ nữ thay chồng viết bản di chúc này là bà Vi Kim Ngọc, phu nhân của cố Bộ trưởng Bộ Giáo dục Việt Nam Nguyễn Văn Huyên – người đương nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ giáo dục lâu nhất và cũng trong giai đoạn khó khăn nhất (1946-1975). Bà qua đời vào một buổi chiều thu nắng toả dịu dàng năm 1988. Tia nắng hắt qua song cửa sổ đã chứng kiến những giây phút cuối cùng của bà trên thế gian, đón bà về với người chồng thương yêu sau 13 năm xa cách…

“Phá sêu” chọn chồng
Năm 1935, lúc ấy Vi Kim Ngọc còn là thiếu nữ, con gái của Tổng đốc tỉnh Thái Bình Vi Văn Định. Ông gốc người Tày bản Chu (Lạng Sơn). Truyền thống yêu nước của gia đình bắt nguồn từ nhiều đời với nhiệm vụ trấn ải biên cương vùng biên giới Lạng Sơn. Thời cụ tổ Vi Kim Thăng đã làm quan triều Trần. Đến khi Hồ Quý Ly cướp ngôi vua Trần, cụ tổ không chịu theo, ở lại biên giới Lạng Sơn. Người nhà Minh mời ông ra giúp việc nhưng ông cũng không nhận. Khi Lê Lợi nổi lên ở Lam Sơn, ông Kim Thăng đã cùng con trai giúp Lê Lợi chống quân Minh thắng lợi. Từ đó, họ Vi cùng 5 dòng họ khác đời đời làm Thổ ty tập tước bảo vệ biên cương đất Việt.

Có truyền thống con nhà quan võ nên từ nhỏ, chẳng những cầm, kỳ, thi, hoạ, mà cả võ tàu, cưỡi ngựa Kim Ngọc cũng luyện tập không hề thua ai. Năm 13 tuổi, phụ thân Kim Ngọc đã nhận hứa hôn cho một người họ Dương Thiệu. 16 tuổi biết chuyện, Kim Ngọc đã cương quyết đòi gia đình phải trả lại sêu.

Từ Paris, Nguyễn Văn Huyên khi ấy đã đỗ tiến sĩ văn khoa và có bằng cử nhân luật tại trường Sorbonne (Pháp). Anh được một người bạn đánh tiếng về cô con gái xinh đẹp và mạnh mẽ của Tổng đốc tỉnh Thái Bình. Vi Kim Ngọc có khuôn mặt trái xoan khá bầu bĩnh, lông mày lá liễu, cặp mắt trong sáng mà cương nghị, đôi môi đầy đặn, nét căng và đỏ thắm màu bã trầu. Lúc nào cô cũng có nụ cười tươi sáng trong ánh mắt và nơi khoé miệng. Ngay ngày đầu gặp mặt, đôi trai tài gái sắc đã phải lòng nhau. Kim Ngọc viết trong nhật ký: “…Em thấy anh giống tính nết anh trai em – anh Lê”. Hai người gặp nhau nhiều buổi trước khi nhà trai xuống Thái Bình câu hôn. Đó là một tiến bộ lớn vào thời điểm bấy giờ, khi nam nữ được phép tìm hiểu trước khi thành hôn.

Điều gì khiến một cô tiểu thư cành ngọc lá vàng lại dứt bỏ lầu son gác tía theo một người đàn ông mà tương lai còn vô định và chưa biết cuộc đời sau này sẽ ra sao? Chắc chắn đó không phải là một sự lựa chọn an phận. Có lẽ trong cô tự khi nào đã nẩy sinh sức mạnh phản kháng lại chế độ phong kiến. (?????) Mà điển hình là người mẹ đã khiến cô thấu hiểu nỗi bất công của xã hội phong kiến đối với phụ nữ. Hơn nữa, ngọn gió tự do, bình đẳng, bác ái của Phương Tây từ anh trai cô học luật tại Pháp – anh Lê đã thay đổi sự ngột ngạt bám riết hàng trăm năm nay của dòng dõi con nhà võ. Sau này khi về già, trên bàn cô vẫn luôn có di ảnh hai người đó: mẹ và anh Lê.

Cách mạng - Cuộc chờ đợi lớn
Ngày 12 tháng 4 năm 1936, tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên kết hôn với tiểu thư Vi Kim Ngọc. Họ có 4 người con, 3 gái 1 trai. Trước khi về Việt Nam và gặp Vi Kim Ngọc, Nguyễn Văn Huyên được mời làm quan Nam triều, nhưng ông một mức từ chối, chỉ dạy học và nghiên cứu khoa học.

Kim Ngọc bước vào dòng họ nhà chồng với không khí cái mới và cái cũ đan xen lẫn nhau. Gia đình Nguyễn Văn Huyên là gia đình Nho giáo nhưng cụ ông Nguyễn Văn Vượng lại gửi cả hai cậu con trai, Nguyễn Văn Huy và Nguyễn Văn Hưởng đi du học tại Pháp (Nguyễn Văn Huyên là con trai thứ 3???). Mẹ chồng Vi Kim Ngọc tuy là người phụ nữ nông dân, không biết chữ nhưng rất tiến thủ. Bà chăm lo cho các con học chữ Nho từ nhỏ, qua đó tự học được chữ thông qua việc dạy con và qua kinh Phật. Tính cách này ảnh hưởng tới tiểu thư Vi Kim Ngọc, khi cô phải đứng ra lo toan mọi bề của một gia đình lớn.

Quãng năm 1943 – 1944, trong những năm chạy loạn vì chiến sự rối ren, gia đình Huyên - Ngọc chuyển vào Hà Đông, còn các anh chị về quê. Năm 1945, Cách mạng tháng Tám nổ ra, Nguyễn Văn Huyên là một trong những người đại diện trí thức Thủ đô ký bức điện yêu cầu vua Bảo Đại thoái vị, nhường quyền kiểm soát cho nhân dân.

Cách mạng tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp mời Nguyễn Văn Huyên giữ chức Tổng Giám đốc Đại học vụ, khi ấy mới 37 tuổi.Cuối tháng 5 và đầu tháng 9 năm 1946, Nguyễn Văn Huyên được Chính phủ cử tham dự Hội nghị trù bị Đà Lạt và Hội nghị Fontainebleau (Pháp) - hai cuộc hội nghị lịch sử liên quan đến vận mệnh đất nước. Tấm ảnh đã ngả vàng gẫy một góc chụp vợ và các con gửi cho Văn Huyên trước khi Hội nghị Fontainebleau: Huy - cậu con trai út lúc đó còn ẵm bế trên tay. Nữ Hạnh, Bích Hà và Nữ Hiếu mặc áo dài bông đỏ màu mận chín. Người vợ Kim Ngọc bện tóc vấn trần như khăn vấn. Nét mặt dịu hiền, trang nghiêm đượm nét buồn lo, không giống như tất cả mọi bức ảnh trước đấy và sau này.

Hai mươi năm về trước (1926), Nguyễn Văn Huyên lên đường sang Pháp học, mang nặng tâm trạng thanh niên của một nước nô lệ. Nay hẳn anh tự hào vì lên đường sang Pháp với cương vị là một tri thức yêu nước, đại diện cho một dân tộc độc lập đang đấu tranh giành chủ quyền thực sự cho đất nước.

Những ngày căng thẳng và sục sôi ở Hội nghị, anh viết những dòng thư riêng viết từ Paris gửi về Hà Nội cho người vợ trẻ Vi Kim Ngọc, anh nói lên nỗi lòng thành thực của mình:
“Ngày về không còn xa mấy nữa. Bước khó khăn còn nhiều nhưng ai nấy đều nỗ lực. Dẫu thành hay bại, phen này cũng đã trả nợ nam nhi đối với Tổ quốc, không thẹn lòng đối với gia đình. Chỉ biết bình tâm mà cố gắng (…). Còn công hay tội, vài chục năm sau lịch sử sẽ chỉ rõ (…). Ngồi không mà nói thì có gì dễ hơn! Riêng mình, mình biết sức mình, không ra mà gánh vác một phần là có tội”.

Ngày 14 tháng 11-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp riêng tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên, thuyết phục anh nhận chức vụ bộ trưởng Bộ Quốc gia giáo dục khi vận mệnh đất nước như “nghìn cân treo sợi tóc”, thay ông Ca Văn Thỉnh. Như một chuyện thần thoại, một dân tộc vừa phá xiềng gông nô lệ đã lao vào việc học hành. Ngay cả vùng nông thôn xa xôi, tối đến sau những buổi cày cấy, nông dân lại ngồi học trên những ngọn đèn dầu với biết bao say mê háo hức. Khi phong trào xoá nạn mù chữ đã ít nhiều thành công, ngành Giáo dục lại phải lao ngay vào việc tổ chức soạn chương trình học và soạn tài liệu giáo khoa, nghiên cứu và sửa đổi cho thích hợp nhu cầu mới. ..

Nguyễn Văn Huyên giữ chức bộ trưởng Bộ Quốc gia giáo dục trong 29 năm. Ông cũng là Bộ trưởng duy nhất không vào Đảng (theo dụng ý của Chủ tịch Hồ Chí Minh) cho đến khi qua đời vào tháng 10-1975.

Tiếp tục cuộc hành trình
“Lên non thiếp cũng lên theoTay vịn chân trèo hái trái nuôi nhau”.
Đó là quyết tâm của Kim Ngọc trong chặng đường của cuộc đời lưu động qua 9 năm kháng chiến. Đó là quãng đường phiêu bạt từ Vân Đình lên Sơn Tây, Phú Thọ, Tuyên Quang, Chiêm Hóa, Làng Ải, Làng Bình…Sâm sẩm tối đến ngủ nhờ nhà dân và tang tảng sáng khi chưa nhìn rõ mặt chủ nhà đã bị đánh thức để đi tiếp cuộc hành trình. Lúc ấy, Văn Huy chỉ mới 7-8 tháng, Bách (bác sĩ Tôn Thất Bách) còn nhỏ hơn (sao lại có Bách ở đây? Gia đình ô Huyên đi di tản cùng gia đình ô Tùng???)…Một gánh một gồng 3 gia đình với 6-7 đứa trẻ vượt qua những vùng hoang tàn, nơi mặt đường ngổn ngang những dấu vết của một trận càn vừa mới đây. Hàng ngàn ngôi nhà, vườn tược bị cháy rụi. Nhiều vũng máu đọng lại trên đường, người lớn phải ôm đầu trẻ nhỏ tránh cho chúng khỏi nhìn thấy cảnh tàn khốc của chiến tranh.

Những ngày “theo chàng lên non”, Kim Ngọc đã trải lòng những băn khoăn của mình: “Trải bao gian nan thử thách của cuộc đời, từ nơi nhung lụa lên xe xuống ngựa, nay chạy ngược chạy xuôi bê tha cực nhọc…Ta có đi đúng đường ta chọn không? Lúc này ta phải có nghị lực và sáng suốt để dẫn dắt các con thơ ngây!”. Lúc này hầu như chỉ có Kim Ngọc quán xuyến chăm các con, còn Văn Huyên lo việc nước đi công tác biền biệt.

Cuộc sống khó khăn, nhưng thấm đẫm tình người. Nhiều khi gạo cũng không thổi được vì sợ khói bay lên, đành nhấm vài hột cốm khô cho đỡ đói. Sau này những năm về già, bà Kim Ngọc ghi nhật ký lại: “Nhớ 9 năm Kháng chiến chống Pháp, dân tộc Việt Nam tuyệt vời!...Tình nghĩa con người với con người sao mà cao cả đẹp thế! Nhắm mắt nhớ lại một bức tranh tuyệt mỹ như hiện ra trước mắt, ngắm mãi không chán, sâu đậm tình người. Có thế mới có Điện Biên Phủ, có thế mới có Hòa bình và thống nhất đất nước!”

Trong suốt 9 năm kháng chiến, Kim Ngọc có một tinh thần quật khởi không sợ gian khổ, hiểm nguy. Nơi cô có một hoài bão tràn trề và một niềm tin vào tương lai dân tộc. Cô luôn vững vàng không lúc nào bị chao đảo dù trong gian khó nhất, dù trong nguy nan nhất, dù trong xã hội có định kiến nhưng lúc nào cô vẫn hướng cho các con đi đúng con đường đã định.

Kim Ngọc trăn trở nhiều với những điều chính cô đã trải qua thể nghiệm trong cuộc sống giữa hai chế độ. Rõ ràng cô sớm nhận thức được luồng tư tưởng mạnh mẽ và vô cùng mãnh liệt đã gây xáo trộn nơi tâm hồn, có lúc đã đảo lộn tất cả nền nếp sống quen thuộc. Đồng thời cô không bị mơ hồ trong việc nuôi dạy con, cháu theo nếp mà dân tộc Việt Nam vẫn có từ ngàn xưa và sau này Kim Ngọc đã kịp thời bổ cứu cho con cái trong lúc nuôi các cháu.

Khi các con khôn lớn
Bà Vi Kim Ngọc, sau khi dành tất cả thời gian cho chồng tham gia Kháng chiến và các con khôn lớn, đã bắt đầu ra làm việc xã hội. Từ trình độ văn hóa Cao đẳng tiểu học, bà đã học xong Phổ thông Trung học và theo học Khóa đào tạo chuyên ngành Ký sinh trung học và nhận bằng tốt nghiệp Y sĩ. Đồng thời, bà theo học lớp tiếng Nga và tự học nâng cao tiếng Pháp để phục vụ chuyên môn. Bà rất tự hào đã làm việc dưới sự hướng dẫn của GS Đặng Văn Ngữ.

Những năm tháng trước ngày Thống nhất Giải phóng miền Nam (30/4/1975), khó khăn chồng chất khó khăn. Năm 1972, người con gái thứ ba, Nữ Hiếu xung phong “đi B”. Bà đã đồng ý cho Hiếu lao vào chiến trường khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh, trong khi nhiều gia đình ở nông thôn khi ấy còn tìm cách tránh cho con họ phải “đi B” (khu vực Quảng Trị (Bình Trị Thiên ngày xưa). Dù vô cùng đau xót, nhưng bà cũng rất tự hào vì Hiếu đã làm thay điều mà bà ước mong “Tuy là gái nhưng tôi cũng muốn tham gia chống giặc ngoại xâm”.

Tháng 10 năm 1975, giáo sư Nguyễn Văn Huyên qua đời khi đang chữa trị tại Cộng hòa Dân chủ Đức. Ông đã không thể chứng kiến ngày Hiến chương nhà giáo đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất. Ông ra đi mà không có vợ con, bạn bè bên cạnh. Sự nghiệp giáo dục bắt đầu bước vào thời kỳ xây dựng đất nước với biết bao ngổn ngang, khó khăn chồng chất. Lúc này bà Kim Ngọc đầu đã bạc trắng, tóc cắt ngắn để thành những lọn xoăn bồng bềnh. Khuôn mặt bà vẫn rất đẹp, tuy có chất chứa buồn. Nhưng ngay từ khi ông qua đời, bà đã xác định: “…Em chưa hết nợ đời. Phải làm thay anh việc anh chưa làm. Thế mà em quá ủy mị lúc nào cũng xót đau…”.

Sau khi ông mất, bà lập bàn thờ ông. Từ đó nề nếp báo cáo thành tích khi Tết đến được duy trì. Sáng mùng một con cháu chỉnh tề đến trước bàn thờ. Từ bé tới lớn lần lượt báo cáo thành tích, kết quả học tập, công tác trong năm và những dự định, những lời hứa trước ông cho năm mới. Bà đã giữ hình ảnh ông luôn luôn ở trong con cháu. Đúng như ông Nguyễn Văn Huyên đã viết trong “Văn minh Việt Nam”, “Thờ cúng Tổ tiên không giống như đạo thờ các thần linh. Thờ cúng Tổ tiên chỉ căn cứ ở lòng biết ơn và lòng kính trọng những người đã sinhh thành ra mình, nuôi nấng dạy dỗ mình. Nguyên tắc đạo đức chi phối quan hệ giữa những người đang sống trong gia tộc vẫn tiếp tục, không thay đổi, say khi từ biệt. Người ta coi cái chết đơn giản chỉ là buộc phải đi theo Tổ tiên đã khuất của đại gia đình, sau một cuộc đời trần thế tương đối dài”.Và đúng như nguyện vọng của ông bà, hơn ba mươi năm qua không một lần sai lệch.Xuân Anh


BOX 1
Những người con của Nguyễn Văn Huyên và Vi Kim NgọcNgười con trai út, Nguyễn Văn Huy sau này là Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam nằm trên đường mang tên người cha thân yêu của mình, Nguyễn Văn Huyên. Những người chị trước cũng không phụ lòng mong mỏi của cha mẹ. Bích Hà, sau nhiều năm học tập vất vả xa nhà đã là người đầu tiên trong 4 anh chị em nhận bằng Phó Tiến sĩ Hóa học tại Liên Xô năm 1972. Khi về hưu, bà thành lập nên trường Nguyễn Văn Huyên và trở thành hiệu trưởng. Nữ Hiếu là phó giáo sư, thầy thuốc nhân dân, phó Viện trưởng Viện Quân y 108. Người chị cả, Nữ Hạnh là kỹ sư Thông tin hữu tuyến đường sắt.Không chỉ 4 người con, mà dâu, rể, con cháu sau này khi không có ông bà đều thành đạt và trở thành người có ích cho xã hội.

BOX 2

Ba chàng rể nhà họ Vi
Cụ Tổng đốc Vi Văn Định có ba người rể đều là tri thức lớn – ông “Nghè tây” của Việt Nam. Họ là những người đặt nền móng đầu tiên cho ngành nghiên cứu dân tộc học, văn hoá học và nền y học của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà trong buổi đầu ban sơ còn nhiều khó khăn..

Người đầu tiên là tiến sĩ văn khoa - cử nhân luật khoa Nguyễn Văn Huyên. Tháng 11 năm 1946, ông nhận chức bộ trưởng Bộ Quốc gia giáo dục khi vận mệnh đất nước đang “nghìn cân treo sợi tóc”. Ông giữ chức này trong gần 30 năm, cho đến khi qua đời vào tháng 10 năm 1975.Nguyễn Văn Huyên có người con rể là Giáo sư Nguyễn Lân Dũng. Ông Dũng lấy người con gái thứ ba, Nguyễn Kim Nữ Hiếu, phó giáo sư, thầy thuốc nhân dân, phó Viện trưởng Bệnh viện Quân y 108. Nguyễn Lân Dũng là con trai cố Giáo sư Nguyễn Lân, dòng họ ông cũng nhiều người theo nghề y. Ngoài ra về phía bên nội, Nguyễn Văn Huyên còn có người chị ruột là nhà giáo Nguyễn Thị Mão. Nhà giáo Nguyễn Thị Mão là phu nhân của Khâm sai, Phó thủ tướng Phan Kế Toại.

Người thứ hai là bác sĩ Hồ Đắc Di. Bác sĩ Di đã kết hôn với người em gái là tiểu thư Vi Kim Phú, 17 tuổi. Con gái của giáo sư, bác sĩ Hồ Đắc Di và bà Vi Kim Phú là Hồ Thể Lan về sau trở thành vụ trưởng Vụ Báo chí và là người phát ngôn của Bộ Ngoại giao nước ta. Bà Hồ Thể Lan kết hôn với người bạn đồng môn là ông Vũ Khoan.


Người cuối cùng, Giáo sư, bác sĩ Tôn Thất Tùng. Tôn Thất Tùng vốn dòng dõi quý tộc (thân phụ ông là Tổng đốc tỉnh Thanh hoá). Năm 1944 bác sĩ Tùng kết hôn với cháu nội của cụ Vi Văn Định là tiểu thư Vi Nguyệt Hồ, 15 tuổi. Sau này đứa con trai đầu lòng của họ đã được Bác Hồ đặt tên theo bộ mộc cùng cha, Phó giáo sư, bác sĩ Tôn Thất Bách.

Vì một người bạn

Thứ năm, ngày 13 tháng tám năm 2009

Vì một người bạn
Một người bạn rất thân hỏi tôi trong buổi đêm ngày 14/8/2009 rằng, sao mày không mở blog để tao có thể đọc được những bài của mày? Điều đó làm tôi rất bối rối. Tôi không muốn việc đưa những bài viết lộ diện trên blog có thể trở thành một trò cười cho ai đó. Đối với tôi, đó là sự phô trương vô lối. Tuy nhiên, vì một người bạn theo đúng nghĩa đích thực nhất của từ này, tôi đã quyết định mở một blog, và chọn blogspot như một trang chia sẻ không ồn ào, hình thức...
Được đăng bởi Xuân Anh vào lúc 11:01

Thứ Hai, 17 tháng 8, 2009

Ca sĩ Ái Vân: Người trả lại tuổi trẻ cho chúng tôi


Lời người viết: Ái Vân ngoài đời rất đẹp, nhất là khi cô mặc đồ đơn giản và không trang điểm. Thật hiếm người phụ nữ ở độ tuổi ngũ tuần lại có vóc dáng và nhan sắc dường vậy! Buổi nói chuyện đó cô mời tôi uống trà hoa cúc Nhật Bản. Trong khi cô chuẩn bị trà, tôi đi về phía khung cửa kính rộng như mảng tường, nhìn xuống dòng chảy tấp nập phía dưới. Từ trên cao, Hà Nội đẹp đến se lòng. Tôi không hiểu với một người con gái phố Huế nức tiếng một một thời, giàu tình yêu, xa HN lâu như Ái Vân, khi đứng ở vị trí tôi, sẽ có những cảm xúc như thế nào về HN? Hẳn phải đau lòng lắm?


Khi câu chuyện được mở, Ái Vân bật khóc. Cô kể về những lần chạy trốn nợ cùng người chồng đầu tiên, những đòn roi và sự ghen tuông dã man của nghệ sĩ nhân dân T.B, và, nỗi nhớ quay quắt HN. Người chồng thứ 3 xuất hiện như một vệt mờ (nhưng tôi biết là một vệt đảm bảo sự bình yên cho một trái tim quá mong manh và yếu đuối). Kỳ thực, nếu không có buổi gặp gỡ này, chẳng bao giờ tôi nghe cô hát. Tôi cũng phân vân, không biết viết về cô như thế nào, vì lứa tuổi của tôi cách xa cô quá. Hơn nữa, tôi là một người đàn bà, tôi không thể nhìn cô say đắm và cháy bỏng như cánh đàn ông ngưỡng mộ cô. Giải pháp tình thế cho bài này là: Nghe một người đàn ông đắm đuối Ái Vân...



Ca sĩ Ái Vân: Người trả lại tuổi trẻ cho chúng tôi

Hà Nội những năm đầu thập niên 70.

Cuộc chiến tranh sắp kết thúc, nhưng bom lửa, khói đạn và sự tang thương vẫn là những kinh hoàng. Người dân thủ đô gồng mình lên gấp trăm vạn lần để qua nốt cửa ải cuối cùng. Thi thoảng, trong giờ nghỉ của những tiếng rít của bom rơi, tiếng nổ xé tai của mìn, có âm thanh lảnh lót cất lên từ loa phường. Những giây phút chết của chiến tranh như thế khiến người ta nao lòng. Anh sinh viên vừa rời trường nhập ngũ được hai tháng thân vắt lên đống gạch đổ nát, người bê bết máu. Tay anh run run lôi từ trong túi áo ngực một tấm ảnh. Mỉm cười áp vào tim.

Không chỉ anh, nhiều chiến sĩ khác trong cuộc chiến, và nhiều người đàn ông khác ở những thập niên 70, 80 đều giữ trong ví mình hình ảnh của người con gái đó. Người con gái làm ấm lòng những con người đang chiến đấu như những khối thép lạnh lùng. Người con gái đó, không ai khác, ca sĩ Ái Vân.

Ái Vân đầu tiên xuất hiện không phải với âm nhạc, mà với điện ảnh trong vai chị Nhung của bộ phim cùng tên. Khác với những nhân vật nữ biệt động mang vẻ đẹp rẳn rỏi, chắc nịch của người nông dân Nam bộ như bộ phim được dựng lại từ tiểu thuyết “Mẫn và tôi” của Phan Tứ, chị Nhung của nhà văn Nguyễn Quang Sáng mang vẻ đẹp thanh khiết của một cô tiểu thư Hà thành. Vẻ đẹp đó khiến bao chàng trai mê mẩn, bởi nó quá lung linh, quá xa cách, quá không đời thực.

Thời bao cấp, ai cũng nghèo. Ái Vân diện quần ka-ki trắng, áo sa tinh nõn chuối đi xe Peugeot 104 màu cá vàng làm sáng cả một góc trời phố Huế. Chị có làn da trắng nõn nà, cổ cao ba ngấn, mắt bồ câu đuôi dài, đôi môi chúm chím như nụ hồng, mũi cao xinh vừa vặn, chiếc cằm vót nhọn một chút trông càng dễ thương.

Như một người đàn ông hâm mộ chị nhận xét: nhiều người đẹp, nhưng không phải ai cũng được tôn sùng làm thần tượng. Tố Uyên trong “Chim vành khuyên” đẹp, nhưng quá trẻ con. Trà Giang đàn bà quá và lại đặc sệt Nam bộ. Thần tượng phải bao gồm yếu tố mơ mộng, trẻ, vừa mang nét đẹp chung nhưng lại khó tới gần. Ái Vân đã làm được điều này. Chị tạo được khoảng trống cho người ta mộng tưởng. Vẻ đẹp của chị lạ ở chỗ, đoan trang nhưng lại rất “mời mọc”. Thánh thiện mà quyến rũ vô cùng.

Có những người đàn bà khiến cho người đàn ông trở nên dửng dưng và ích kỷ. Khiến họ bộc lộ ra những điều xấu xa nhất, thú tính nhất, đê hèn nhất trong con người họ. Nhưng lại có những người đàn bà khiến cho người đàn ông trở nên đàn ông hơn, thánh thiện hơn, anh hùng hơn. Ái Vân là tuýp người mà bất kỳ người đàn ông nào cũng muốn che chở, mà chẳng vì dụng ý nào cả. Đó là lý giải tại sao chị luôn được tha thứ, luôn được tin yêu, dù trải qua không ít lỗi lầm và sóng gió.

Nhìn Ái Vân không bao giờ ai nhớ đến lầm lỗi, vì thứ nhất đó là một người đàn bà nhan sắc. Thứ hai, làm nghệ sĩ, đã có quá nhiều cực nhọc. Đời con hát bạc bẽo lắm. Càng ở trong đó càng thê thảm! Tuyệt đại đa số bị nhào nặn, đè nghiến, bóp méo. Nhưng Ái Vân dù trong hoàn cảnh nào, dù ở bùn lấy nước đọng vẫn giữ được hình ảnh của mình. Đó là sự cứu rỗi của Ái Vân. Và, cứu rỗi cho cả công chúng.

Nhưng để trở thành một biểu tượng cho vẻ đẹp của thời bao cấp, phải có một điều kỳ diệu hơn thế. Trong bản chất người nghệ sĩ, cái hình ảnh họ tạ ra (image) và con người thật của họ không phải lúc nào cũng trùng làm một. Thậm chí, đôi khi rất trái ngược nhau. Nhưng với một người nghệ sĩ, đừng quan tâm quá đến con người thật của người ta, mà hãy quan tâm đến hình ảnh họ tạo ra được. Đó là công dụng đích thực của người nghệ sĩ. Hình ảnh đầu tiên trong vai chị Nhung và ca sĩ Ái Vân sau này, đã làm dịu lòng cả một xã hội đang phải “sắt thép hóa” để đối chọi với nguy cơ chiến tranh và xây dựng đất nước đang còn quá nhiều khó khăn.

Nhiều du học sinh thời bấy giờ khi nhớ về chị, với biết bao tự hào: Hồi ấy với chúng tôi cái gì Tây cũng là nhất: nhạc Tây, thức ăn Tây, quần áo Tây, và cả con gái Tây. Có khi muốn khoe con gái Việt Nam mình đẹp thế nào với bạn bè, mà chẳng biết lấy ai để khoe. Lê Dung hát quá hay rồi, chị được giải Chaicôpxki, rất tự hào. Và chỉ tự hào thế thôi. Nhưng sau đấy thấy Ái Vân hát bài “Triệu triệu bông hồng” – nhạc Nga, rồi “Bài ca xây dựng” – sáng tác của nhạc sĩ Hoàng Vân, “Mặt trời chưa bao giờ mọc như vậy” – nhạc của Đức trong cuộc thi Ca nhạc nhẹ quốc tế, tổ chức tại Dresden, Cộng hòa dân chủ Đức (cũ) năm 1981, mà lòng hãnh diện vô cùng. À, hóa ra con gái Việt Nam cũng đẹp quá! Đẹp mảnh mai và dịu dàng, mà con gái châu Âu không có được.

Thời ấy, cũng có những nghệ sĩ khác đang đà nổi lên nhưng không thể giữ được hình ảnh. Chỉ đơn giản: khi đi qua đỉnh cao, họ trở về đúng với con người xù xì của họ, chứ không phải hình ảnh óng ánh mà họ tạo ra trước công chúng. Những lứa diễn viên và ca sĩ cùng thời Ái Vân như Lệ Quyên, Tố Uyên, Như Quỳnh đến những lứa diễn viên sau này như Hoàng Cúc, Phương Thanh, Minh Châu, Kim Khanh, Diễm My, Diễm Hương, Việt Trinh chỉ 5, 10 năm sau đã khác. Với Ái Vân, dường như thời gian dừng lại trên khuôn mặt của chị, dù đã ngoài ngũ tuần. Nhà báo Dương Phương Vinh có nói, chị không bị “những cú đấm của thời gian”. Hay như nhà thơ Hồng Thanh Quang gặp lại chị sau hàng chục năm, thốt lên trong lòng: Ôi…chị đã trả lại tuổi thơ, tuổi trẻ cho chúng tôi!

Đó là vị trí đặc biệt của Ái Vân, mà có lẽ, mọi người không thấy được, không lý giải được. Họ chỉ biết rằng trong trái tim họ, trong những giấc mơ tiềm thức về tuổi thơ và tuổi trẻ, Ái Vân là một hình ảnh đậm đặc, mà cho đến bây giờ vẫn còn nguyên vẹn.

Xuân Anh